Tăng cường hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 24/2, tại thủ đô Vientianne, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Giáo dục Lào, Giáo sư-Tiến sĩ Somkot Mangnomek đã thảo luận và ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bộ trong năm 2009.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 24/2, tại thủ đô Vientianne, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Giáo dục Lào, Giáo sư-Tiến sĩ Somkot Mangnomek đã thảo luận và ký thoả thuận hợp tác giữa hai bộ trong năm 2009.
 
Theo thỏa thuận, trong năm nay, Việt Nam sẽ tiếp nhận 245 cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, học sinh là con em Việt kiều tại Lào theo học các khoá đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại Việt Nam. Lào cũng sẽ nhận 30 học sinh Việt Nam sang học ở trường Đại học Quốc gia Lào về các ngành ngôn ngữ và xã hội nhân văn.
 
Hai bên tiếp tục trao đổi các đoàn công tác hàng năm. Năm 2009, Bộ Giáo dục mỗi nước sẽ cử 9 đoàn công tác sang nước kia thăm và làm việc.
 
Các lưu học sinh được Bộ Giáo dục Lào chọn sang Việt Nam học tập sẽ phải qua một kỳ thi tuyển cấp quốc gia, trong đó Bộ Giáo dục Lào tổ chức thi và chấm bài, phía Việt Nam chịu trách nhiệm ra đề và đáp án của các môn thi (gồm toán, vật lý và hoá học). Lưu học sinh Lào sẽ có tối đa 2 năm học dự bị tại Việt Nam, dự kiểm tra tiếng Việt trước khi vào học tại các trường.
 
Thỏa thuận trên được ký trong khuôn khổ chuyến thăm Lào từ ngày 23 đến 25/2 của phái đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu. Trong cuộc hội đàm giữa phái đoàn hai bên sáng 24/2, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nước, nhất là việc xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, học sinh tích cực học tập tu dưỡng đạo đức; vấn đề cải cách giáo dục...
 
Theo đề nghị của Lào, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên phổ thông các cấp. Việt Nam cũng sẵn sàng giúp Lào đào tạo các ngành kỹ thuật cao bằng các hình thức thích hợp.
 
Hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến trình biên soạn sách dạy tiếng Việt các cấp học, hỗ trợ các địa phương Việt Nam cử giáo viên sang Lào dạy tiếng Việt tại các trường công lập và tư thục. Hai bên phối hợp nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt tại trường phổ thông phù hợp với chương trình cải cách giáo dục của Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục