Diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam-Thụy Sỹ lần 2

Với chủ đề “Mối quan hệ giữa Nhà trường và Doanh nghiệp”, diễn đàn thúc đẩy hợp tác giữa các trường ĐH và tổ chức giáo dục VN-Thụy Sỹ.
Ngày 19/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam đã khai mạc Diễn đàn Giáo dục Đại học Việt Nam – Thụy Sỹ lần thứ 2, với sự tham dự của đại diện 7 trường Đại học Thụy Sỹ, 20 trường Đại học Việt Nam và 15 doanh nghiệp Thụy Sỹ.

Diễn đàn có chủ đề “Mối quan hệ giữa Nhà trường và Doanh nghiệp”, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và các tổ chức giáo dục của hai quốc gia.

Đây cũng là dịp để các tổ chức giáo dục hai bên thảo luận lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, các kỹ năng quản lý cần thiết đối với các sinh viên Việt Nam mong muốn làm việc tại các công ty nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng tăng lên.

Bên cạnh đó, các nhà giáo dục cũng trao đổi nhiều chủ đề khác nhau như khoa học đời sống, kỹ thuật – cơ sở hạ tầng, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh và các dịch vụ khác.

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, phần lớn số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và cả các trường dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng ngày càng cao của các doanh nghiệp Việt Nam.

Rất nhiều doanh nghiệp (bao gồm cả 44% các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phải tự thực hiện việc đào tạo tại chỗ cho các lao động mới tuyển và 25% các học viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo nghề không đáp ứng được yêu cầu về kiến thức chuyên môn cũng như về tay nghề trong các doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý cho biết, để khắc phục hiện trạng trên, hiện giáo dục đại học Việt Nam đang hướng tới một số giải pháp như xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia; tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; đẩy mạnh việc đào tạo tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu.

Cùng với đó, việc chuẩn hóa các trường đại học về chương trình đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để đổi mới phương pháp dạy học; tăng tính chủ động, sáng tạo và tự học của sinh viên, tiến tới một nền đào tạo điện tử cũng sẽ được đẩy mạnh.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Triển lãm Khoa học Thụy Sỹ cũng đã khai mạc, giới thiệu chân dung của 25 nhà nghiên cứu hàng đầu đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sỹ./.

Gia Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục