Vào NATO và EU giúp Bosnia & Herzegovina ổn định

Mỹ tin rằng việc Bosnia & Herzegovina gia nhập NATO và EU là con đường tốt nhất giúp nước này ổn định bền vững và thịnh vượng.
Mỹ tin rằng việc Bosnia & Herzegovina gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) là con đường tốt nhất giúp nước này có được sự ổn định bền vững và thịnh vượng.

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau cuộc hội đàm với Hội đồng tổng thống Bosnia & Herzegovina, ngày 30/10 tại Sarajevo, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du năm quốc gia vùng Balkan cùng với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton.

Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Bosnia & Herzegovina là không phải bàn cãi, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Bosnia and Herzegovina tìm kiếm lập trường chung và hành động vì lợi ích của người dân của quốc gia vùng Balkan này.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU đã tới Cộng hòa Serbia để hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic và Thủ tướng Ivica Dacic, Ngoại trưởng Clinton và bà Ashton hối thúc Cộng hòa Serbia bình thường hóa quan hệ với Kosovo để bảo đảm một nền hòa bình ở khu vực Balkan, dù không công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ ly khai này.

Theo bà Clinton, đối thoại giữa Belgrade và Pristina "không đòi hỏi Serbia phải công nhận Kosovo" và các bên cần phải nghiêm túc thực hiện thỏa thuận đã đạt được với sự trung gian của EU, tập trung vào các biện pháp giúp bình thường hóa quan hệ để người dân nơi đây được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và EU đều khẳng định tương lai của Serbia là ở trong EU.

Tối 30/10, Ngoại trưởng Clinton cùng bà Ashton đã tới thủ phủ Pristina của Kosovo nhằm hối thúc lãnh đạo vùng lãnh thổ ly khai này nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng gia nhập NATO và EU.

Serbia, cùng với Nga và nhiều nước khác, vẫn không công nhận nền độc lập của Kosovo, vùng lãnh thổ đã được khoảng 90 nước; trong đó có các nước thành viên EU và Mỹ, công nhận.

Bất đồng về quy chế của Kosovo vẫn là trở ngại chính ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong khu vực này sau khi Liên bang Nam Tư tan rã./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục