6.460 tỷ đồng xây dựng 45 trạm kiểm tra trọng tải xe

Theo Quy hoạch Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến 2020 tầm nhìn đến 2030, tổng kinh phí xây 45 trạm khoảng 6.460 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1502/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 45 trạm kiểm tra trọng tải xe khoảng 6.460 tỷ đồng.

Cụ thể, từ nay đến năm 2030, có 45 Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định sẽ được xây dựng trên hệ thống đường bộ hiện có. Trong đó có 11 trạm đặt trên Quốc lộ 1; bốn trạm đặt trên đường Hồ Chí Minh; hai trạm đặt trên Quốc lộ 3; hai trạm đặt trên Quốc lộ 6... Trong đó, một trong những nguyên tắc lựa chọn vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định là hạn chế việc đặt Trạm trong phạm vi nội thành, nội thị các đô thị để chống ùn tắc giao thông.

Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại, bảo đảm kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; hạn chế tối đa sự tác động, can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe tại Trạm.

Theo nội dung quy hoạch, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.200 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác. Đồng thời, trong giai đoạn này cũng sẽ đầu tư trang bị cân lưu động để khi cần thiết sẽ thành lập các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường chưa có Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoặc thực hiện việc kiểm tra đột xuất ngay tại đầu các nguồn hàng có nhiều xe quá tải.

Giai đoạn từ 2016-2020, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 500 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác.

Từ 2021-2030, sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 300 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác. Kinh phí đầu tư xây dựng các Trạm kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ hiện có (đã bao gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng) dự kiến là hơn gần 6.460 tỷ đồng.

Theo đánh giá, việc xây dựng và đưa vào hoạt động các Trạm kiểm tra tải trọng xe nói trên nhằm hình thành hệ thống, mạnh lưới kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe trên đường, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, ngăn chặn các hành vi vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ; thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ./.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục