Mẹ rừng… kêu cứu

Bảo vệ rừng ở Tuyên Quang: “Voi chui lọt lỗ kim”

Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng lớn thứ 3 cả nước. Nhưng cũng tại đây, hàng nghìn cây nghiến cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ.
Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng lớn thứ 3 cả nước. Nhưng cũng tại đây, hàng nghìn cây nghiến cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ. Mặc dù lực lượng kiểm lâm tỉnh đã nhiều lần truy quét, nhưng trước sự manh động và táo tợn của lâm tặc, việc ngăn chặn nạn phá rừng nơi đây có vẻ chưa hiệu quả. Mẹ rừng… kêu cứu Cách đây gần một năm, vị khách trẻ tuổi từ Thủ đô có dịp được mục sở thị những cây nghiến vài người ôm không xuể ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung (rừng đặc dụng Na Hang, Tuyên Quang). Hiếm có loài cây nào như nghiến-với sức sống mãnh liệt trên núi đá vôi khô cằn hàng trăm, nghìn năm. Đây là tài sản của quốc gia được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Giờ quay trở lại, anh như chết lặng giữa cảnh tan hoang của "mẹ rừng". Ở một vạt rừng, khoảng 20 cây nghiến đường kính từ 0,7m-1,3m bị lâm tặc cưa đổ. Càng lên cao, rừng già càng chảy máu. Đập vào mắt là gốc cây còn tươi mới với những vết cưa sắc lẹm, thân cây cổ thụ được cắt thớt hoặc xẻ thành từng thanh, phách nhỏ vuông vức... Những lán trại của lâm tặc ngang nhiên mọc giữa những vạt rừng nhiều cây gỗ lớn để lâm tặc tiện bề “xẻ thịt” rừng già. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ gỗ nghiến, những cây kháo đá và một số loài cây khác có chất gỗ tốt đều bị lâm tặc chặt hạ và vận chuyển ra khỏi rừng. Ông Hoàng Văn Thế, một người dân chuyên vào rừng hái thuốc rầu rĩ: “Cứ chặt rừng như thế, bảo sao chả thiên tai, lũ quét...” Quệt vệt mồ hôi trên gò má sạm đen, ông kể rằng, cách đây độ vài năm, rừng ở đây còn nhiều cây gỗ đến chục người ôm. Đến giờ, họa chăng chỉ còn trên đầu ngón tay, mà đó cũng là những cây gỗ mọc ở nơi hiểm trở, khó khăn khiến lâm tặc chưa “với tới.” Khi được hỏi về Kiểm lâm, ông cười chua chát: “Kiểm lâm thì làm gì được lâm tặc? Người dân Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung không quên được cảnh lâm tặc chống đối người thi hành công vụ. Năm 2004, đã có 2 kiểm lâm hy sinh khi chống lại kẻ phá rừng..."
Phép vua thua “nghiến tặc”
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, ông Nguyễn Thế Đồi cho hay tình trạng phá rừng ở Na Hang không còn “nóng” như trước. Đó cũng là nhờ lực lượng này tiến hành nhiều đợt truy quét. Thế nhưng, ông Đồi cũng vẫn phải thừa nhận “lực lượng kiểm lâm mỏng nên công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất khó khăn.” Chỉ tính riêng quý 1/2012, Hạt kiểm lâm Na Hang đã xử lý hành chính hơn 130 vụ, trong đó khởi tố và bắt giam 2 vụ phá rừng. Lý giải rõ hơn về số vụ vi phạm bị xử lý hình sự trên, ông Đồi cho biết: “Theo Nghị định 99 đối với rừng đặc dụng, đối tượng vi phạm khai thác từ 5 m3 trở lên mới được xử lý hình sự, còn dưới 5 m3 chỉ xử lý hành chính”. Trước đó, Vietnam+ cũng đưa tin, tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), tình trạng chặt phá rừng nghiến cũng diễn ra rất phức tạp. Thậm chí, lâm tặc còn thành lập hẳn “câu lạc bộ nghiến” và trắng trợn treo giải thách thức lực lượng kiểm lâm bắt phạt. Lại nữa, đầu năm 2012, tại thành phố Tuyên Quang, lâm tặc đã nhiều lần tấn công lực lượng kiểm lâm. Thậm chí chúng còn gọi đồng bọn bao vây, chống đối người thi hành công vụ. Ông Vũ Đình Tải, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, phân bua: “Ngành Kiểm lâm chúng tôi lực lượng mỏng lắm, địa bàn lại rộng, các trạm kiểm lâm cũng không có đủ trang thiết bị, ca-nô cũ không chạy được trong khi trên địa bàn có nhiều tuyến đường thủy, thuyền bè đi lại rất thoải mãi nên rất khó khăn trong công tác quản lý...” Lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang cũng cho biết việc xây dựng cơ chế, quản lý rừng là rất khó. “Tuy nhiên, nếu lực lượng kiểm lâm đủ về quân số và được trang thiết bị hiện đại thì việc ngăn chặn lâm tặc chặt phá rừng sẽ rất khả quan,” ông Tải chắc nịch. Có lẽ, trong tình trạng thiếu hụt chung của ngành Kiểm lâm cả nước, Tuyên Quang cần có những biện pháp thích hợp như việc hướng dẫn cho người dân cách sống với rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ… để họ tự bảo vệ “mẹ rừng” thì mới mong tình trạng chảy máu rừng nơi đây chấm dứt./.
Rừng đặc dụng Na Hang được thành lập theo Quyết định số 247/QĐ-UB, ngày 9-5-1994 của UBND tỉnh Tuyên Quang, với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 41.930ha.

Rừng đặc dụng Na Hang có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Động vật thì có có voọc, gấu, ngựa... Thực vật có hoàng đàn, bách xanh, đinh, sến mật… Riêng gỗ nghiến chiếm số lượng rất lớn.
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục