Khu vực Tam giác phát triển vẫn tăng trưởng chậm

Sau 10 năm, đến nay Khu vực Tam giác phát triển vẫn chưa thực sự phát triển như mong đợi. Tốc độ tăng trưởng toàn vùng chậm với yêu cầu.
Khu vực Tam giác phát triển gồm 13 tỉnh của Campuchia-Lào-Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên gần 144.000km2. Dân số khoảng 7 triệu người.

Sáng kiến thành lập Tam giác phát triển là của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc gặp cấp cao ba Thủ tướng (tại Vientiane năm 1999), với mục đích tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hợp tác ba nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định an ninh của ba nước.

Tuy vậy, nhìn lại sau 10 năm từ ý tưởng đến hiện thực, nhất là sau khi có quy hoạch chung cho toàn vùng (có tầm nhìn đến năm 2020), đến nay khu vực trên vẫn chưa thực sự phát triển như mong đợi. Trong 2 năm qua tốc độ tăng trưởng của toàn vùng vẫn chậm so với mục tiêu, yêu cầu của quy hoạch.

Là vùng có xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh khác trong mỗi nước nên đây thực sự là "vùng trũng" của các nước. Nhưng việc huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế, tiến độ triển khai chậm. Việc kêu gọi, vận động tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, Chính phủ các nước vẫn chưa tốt. Hiện toàn khu vực chỉ có 1 dự án ODA của Nhật Bản với giá trị 20 triệu USD. Song dự án trên thực hiện tại Campuhchia (7,5 triệu USD) lại chậm vì thủ tục.

Bên cạnh đó, các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng triển khai còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Các con đường 14A, 16A, 16B của Lào để kết nối với các tuyến đường khác của các nước vẫn còn dang dở; quốc lộ 76 nối quốc lộ 78 hay quốc lộ 73 của Campuchia vẫn chưa hoàn thành; thỏa thuận xây dựng cầu Đăk Đang tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia vẫn chỉ dừng lại ở thống nhất về mặt kỷ thuật giữa Bộ Giao thông vận tải của 2 nước; quốc lộ 78 từ cửa khẩu Oyadav (Campuchia) đến cửa khẩu Lệ Thanh (Việt Nam) vẫn đang…chờ bố trí vốn.

Bà Bounnang Bouna Seng, đại diện nước Lào tham dự hội nghị Khu vực Tam giác phát triển cho biết: Về vấn đề trở ngại trong việc hợp tác giữa các là vấn đề giao thông. Các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa hoàn thiện cho lắm. Chẳng hạn như nước Lào muốn ra biển phải qua nước Việt Nam . Các nước Khu vực Tam giác phát triển muốn kết nối đến Thái Lan, Đông Bắc Thái Lan hay một số tỉnh Nam Lào đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốt, nhưng hiện con đường ở Atapư đi lại còn khó khăn.”

Đồng quan điểm trên, ông Youn Heng-Vụ trưởng Vụ Ưu đãi và đánh giá dự án Campuchia cho rằng: “Xây dựng hạ tầng cơ sở là vấn đề then chốt quan trọng để nối các vùng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm chi phí đi lại không chỉ cho nhà đầu tư mà cả người dân trong vùng."

Trong khi đó, theo đánh giá của việc thực hiện quy hoạch tổng thể trong khu vực tại Hội nghị cấp chuyên viên, nằm trong chuỗi các hoạt động của Uỷ ban điều phối chung lần thứ 8: Các quốc gia tài trợ chưa thực sự coi trọng việc cung cấp tài chính cho các dự án trong khu vực. Trong khi mạng lưới hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế.

Cùng với đó, nguồn cung cấp lao động có kỹ năng hiện đang thiếu hụt so với yêu cầu của nhà đầu tư tạo ra thách thức lớn cho việc thực hiện các dự án trong quy hoạch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tam giác phát triển. “Kết cấu hạ tầng chậm so quy hoạch, cơ sở hạ tầng không tốt. Nguồn lực đầu tư mỗi nước còn hạn hẹp, trong khi đầu tư nước ngoài không lớn.” Đây là nhận xét của ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn chậm phát triển. Cả khu vực đang thiếu một đầu tàu có chức năng kết nối doanh nghiệp trong khu vực, hỗ trợ kinh doanh để thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư. Toàn khu vực chưa có một chương trình hỗ trợ cụ thể nào để thúc đẩy đầu tư và thu hút các doanh nghiệp trong khu vực như chính sách cho vay vốn phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh, hỗ trợ về thuê đất, lao động, giảm chi phí liên quan đến lao động… khi đầu tư tại các tỉnh nghèo trong khu vực.

Hiện tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu rất ít được quan tâm đầu tư nhằm đẩy mạnh xây dựng kênh phân phối hàng hóa tại khu vực biên giới và các tỉnh lân cận. Cụ thể tại cặp cửa khẩu của Bờ Y và Lệ Thanh (Việt Nam) với Campuchia và Lào các chợ cửa khẩu của Việt Nam hoạt động nhỏ lẻ, trong khi các nước bạn thì còn không có.

Theo bà Phạm Thị Hồng Thanh-Phó Vụ trưởng vụ thị trường Châu Á-Thái Bình Dương-Bộ Công Thương Việt Nam: “Các bên cần khẩn trương hoàn thiện việc quy hoạch chợ biên giới và tiến tới xây dựng quy hoạch chợ cho các tỉnh tam giác phát triển. Về lâu dài cần nghiên cứu hình thành các khu vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm đảm bảo nguồn cung và đầu ra cho sản phẩm.”

Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư khu vực Tam giác phát triển tới các quốc gia khác để giới thiệu, kêu gọi các nhà tư từ các nước vẫn còn bỏ ngỏ, chưa tổ chức lần nào trong khi Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch (được tổ chức luân phiên giữa ba nước) lại chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra./.

Hoàng Cao Nguyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục