Iran: Một người biểu tình thiệt mạng

Tại Iran, làn sóng biểu tình của lực lượng ủng hộ ứng cử viên tổng thống thất cử Mir Hossein Mousavi đã biến thành bạo lực sau khi xảy đụng độ nghiêm trọng giữa các phe phái, khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Tại Iran, làn sóng biểu tình của lực lượng ủng hộ ứng cử viên tổng thống thất cử Mir Hossein Mousavi đã biến thành bạo lực sau khi xảy đụng độ nghiêm trọng giữa các phe phái, khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Bạo lực bùng nổ sau khi ông Mousavi, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống, cáo buộc rằng kết quả bầu cử đã bị gian lận. Ông Mousavi kêu gọi lực lượng ủng hộ "giành lấy quyền lợi của mình" và thề sẵn sàng "trả bất kỳ giá nào cho cuộc chiến này".

Theo các nhân chứng, họ nghe thấy tiếng súng nổ liên tiếp tại các quận Velenjak, Jordan và Darous ở phía Bắc thủ đô Tehran. Một phóng viên ảnh của Iran cho biết sau khi kết thúc míttinh, những người biểu tình đã tấn công một tòa nhà của lực lượng bán quân sự Basij - một lực lượng bán quân sự tình nguyện trung thành với thủ lĩnh tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei. Các tay súng Basij sau đó đã nổ súng khiến một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Nếu thương vong được xác nhận, đây sẽ là những nạn nhân đầu tiên của tình trạng bạo lực tồi tệ nhất xảy ra tại Iran kể từ sau cuộc biểu tình của sinh viên năm 1999.

Phóng viên hãng AFP cho biết đã chứng kiến cuộc đụng độ giữa cảnh sát với lực lượng chống đối, nghe tiếng súng nổ và nhìn thấy một đám khói đen dày bốc lên ở khu vực quảng trường trung tâm. Theo các nhân chứng, cảnh sát đã bắn hơi cay trong khi những người biểu tình đốt môtô, lốp xe và thùng rác.

Hiện tại, hàng trăm nghìn người Iran tiếp tục đổ về thủ đô Tehran bất chấp lệnh của chính phủ cấm tụ tập. Những người biểu tình đã tạo thành một dòng người dài tới vài km trên một đại lộ chính ở Tehran. Ngày 16/6, lực lượng ủng hộ ông Mousavi kêu gọi tiến hành thêm các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ, và thề sẽ chiến đấu tới cùng để thay đổi kết quả bầu cử.

Tình hình rối loạn tại Iran khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 15/6 nói rằng ý nguyện "thực sự" của người dân Iran, như thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vừa qua ở nước này, cần được "tôn trọng đầy đủ".

Trả lời câu hỏi liên quan đến những cáo buộc về gian lận trong cuộc bầu cử mà Tổng thống Mahmoud Ahma tái đắc cử, ông Ban Ki -moon cho biết ông sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc điều tra về cáo buộc này.

Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs ngày 15/6 đã bày tỏ quan ngại về tình hình Iran. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cũng cho biết Mỹ đang thận trọng theo dõi các sự kiện ở Iran và bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước thông tin về các vụ bắt giữ và khả năng "có những bất bình thường" trong bầu cử. Tuy nhiên, ông Kelly từ chối lên án việc các lực lượng an ninh Iran đàn áp người biểu tình trên đường phố.

Trong khi Liên hợp quốc và Mỹ thận trọng thì các nước châu Âu tỏ ra cứng rắn hơn đối với Tehran. Thủ tướng Anh Gordon Brown ngày 15/6 cho rằng Iran phải trả lời "các câu hỏi nghiêm túc" về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở nước này, rằng "cách thức chính quyền Tehran phản ứng với các cuộc biểu tình hợp pháp sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Iran với thế giới trong tương lai".

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng lên án các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình tại Iran, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình chính trị tại nước này.

Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu Đại sứ Iran để yêu cầu Tehran đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với những nghi vấn về tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục