Chậm xử lý thềm lục địa gây khó cho quản lý biển

Việc xử lý chậm các kiến nghị về thềm lục địa được các nước đệ trình CLCS, đã gây khó khăn trong việc quản lý ổn định khu vực biển
Ngày 6/6, các nước tham gia Hội nghị lần thứ 22 của các bên tham gia Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) cảnh báo việc xử lý chậm các kiến nghị về thềm lục địa, được các nước đệ trình Uỷ ban Liên hợp quốc về giới hạn thềm lục địa (CLCS), đã gây khó khăn cho các nước trong việc quản lý ổn định các khu vực biển cũng như phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế.

Chủ tịch Uỷ ban CLCS, Galo Carrera Hurtado nhấn mạnh với tầm quan trọng thiết yếu của các kiến nghị này của các nước ven biển và với chi phí lên tới hàng trăm triệu USD mà các nước này phải bỏ ra để chuẩn bị, các kiến nghị này phải được xem xét và giải quyết thoả đáng.

CLCS phải cam kết khung thời gian cần thiết để giải quyết các kiến nghị này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hurtado nêu rõ ủy ban đang đứng trước thách thức lớn về lượng công việc quá tải.

Số kiến nghị của các nước ven biển về thềm lục địa đã tăng từ 33 khi ủy ban được thành lập 15 năm trước lên 120 kiến nghị hiện nay.

Ông kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc cung cấp cho ủy ban các nguồn tài chính và thời gian cần thiết để hoàn tất lượng công việc khổng lồ này.

Trong bối cảnh đó, các nước thành viên Liên hợp quốc đã kêu gọi CLCS xem xét lại phương pháp làm việc, tăng số thành viên của ủy ban hoặc tăng nguồn tài chính để 21 thành viên hiện nay làm việc thường trực tại Liên hợp quốc.

Nhiều nước lên tiếng ủng hộ quyết định đã đạt được tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia UNCLOS yêu cầu CLCS tăng thời gian làm việc hàng năm ở trụ sở New York, Mỹ của Liên hợp quốc lên 26 tuần trong thời gian 5 năm để giải quyết các công việc tồn đọng.

Các nước cũng nhấn mạnh yêu cầu các thành viên đại diện cho các nước được bầu vào Uỷ ban phải có chất lượng cao nhất và toàn tâm với công việc của Uỷ ban.

Đại diện nhiều nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh CLCS là một trong những trụ cột của UNCLOS với vai trò then chốt xác định giới hạn thềm lục địa thuộc quyền tài phán quốc gia của nước ven biển cũng như các khu vực có nguồn tài nguyên thuộc di sản chung của nhân loại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục