Giá dầu giảm trước viễn cảnh u ám kinh tế thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 10/10, tại châu Á, giá dầu quay đầu đi xuống do những quan ngại về triển vọng tăm tối của kinh tế thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10 tại thị trường châu Á, giá dầu quay đầu đi xuống do những quan ngại về triển vọng tăm tối của kinh tế thế giới, nhất là sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ thấp dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013.

Đóng cửa phiên giao dịch buổi chiều tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 9/2012 giảm 28 xu, xuống 92,11 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ tới 3,06 USD, chốt ở mức 92,39 USD/thùng.

Trong khuôn khổ hội nghị thường niên của IMF và WB diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) từ 9/10 viễn cảnh kinh tế thế giới đều được hai thể chế tài chính lớn này nhìn dưới con mắt đầy bi quan.

IMF cho rằng các nền kinh tế phát triển đang đứng trước nguy cơ rơi trở lại suy thoái, và thậm chí các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc, Brazil hay Ấn độ cũng khó có thể tránh khỏi những tác động xấu từ điều kiện bên ngoài. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu có thể bị sụt giảm đáng kể trong thời gian tới.

Tại hội nghị này, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013 lần lượt xuống các mức 3,3% và 3,6%, so với mức dự báo trước đó tương ứng là 3,5% và 3,9%. Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi WB cũng vừa quyết định cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á-Thái bình Dương (không tính Nhật Bản và Ấn Độ).

Dù cho những căng thẳng “leo thang” tại khu vực Trung Đông làm dấy lên những đồn đoán về khả năng nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn trên phạm vi toàn thế giới, song từng đó vẫn chưa đủ để giúp thị trường năng lượng châu Á khởi sắc.

Nhà phân tích thị trường dầu mỏ Stephen Schork cho biết giới đầu tư hiện đang chờ đợi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố báo cáo về tình hình kinh doanh tại Mỹ. Báo cáo này (hay còn được gọi là Cuốn sách Be) được công bố 8 lần một năm và dựa trên thông tin của 12 chi nhánh thuộc FED.

Đêm trước (9/10), giá dầu tại thị trường Mỹ đã bật tăng trở lại sau vài phiên đi xuống liên tiếp, lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần qua do những lo ngại về nguồn cung gia tăng bắt nguồn tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là vụ tranh chấp biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chốt phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2012 tăng mạnh 3,06 USD, lên 92,39 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng tới 2,68 USD lên 114,50 USD/thùng.

Các dự báo mới đây của IMF và WB về triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu, cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm sút tại nhiều khu vực trên thế giới đã đè nặng lên các thị trường chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, giá “vàng đen” tại Mỹ vẫn ngược dòng đi lên do những xung đột địa chính trị tại Trung Đông, nơi nắm giữ nhiều giếng dầu lớn của thế giới, đe dọa sẽ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.

Sáng 9/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định bơm 265 tỷ Nhân dân tệ (42,1 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm nới lỏng các điều kiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nước này.

Động thái giải cứu kinh tế của Trung Quốc ngay lập tức tác động tích cực tới hoạt động giao dịch năng lượng tại thị trường Mỹ và Anh, dù cho IMF vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2012 xuống 7,8 %, trong khi WB cũng dự báo rằng sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn ​​ thứ hai thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ chậm hơn dự kiến trước đó và chỉ đạt mức 7,7 % trong năm nay./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục