Khó dự đoán kế hoạch của TQ đối với đồng NDT

Kế hoạch của Trung Quốc đối với đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động lớn đến sức tăng trưởng của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Hiện Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có tín hiệu rõ ràng rằng bất cứ sự hỗ trợ kinh tế nào cũng sẽ phải đợi tới tháng 9/2011.

Nhưng ngay cả khi những hỗ trợ này được tung ra, thế giới thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - để có sức tăng trưởng.

Để đồng Nhân dân tệ lên giá với tốc độ nhanh hơn được cho là "liều thuốc" hiệu nghiệm nhất ở thời điểm hiện nay. Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia, Glenn Stevens nhận định, dưới bất cứ góc độ nào, đồng nội tệ của Trung Quốc cũng cần mạnh hơn hiện tại. Điều này sẽ có lợi đối với kinh tế toàn cầu, và với cả người dân Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng càng giảm sức ép với Bắc Kinh, càng nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ nới lỏng gọng kìm đối với đồng Nhân dân tệ.

Thời gian gần đây, những tờ báo, tạp chí thuộc Chính phủ Trung Quốc liên tục khuyến nghị rằng đây là thời điểm để đẩy nhanh tốc độ lên giá của đồng Nhân dân tệ. Nhưng Liang Youcai, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc cho rằng, đồng Nhân dân tệ lên giá mạnh có thể đem đến kết quả ngược với mong đợi, khi thu hút nhiều hơn luồng tiền đầu tư vào Trung Quốc, khiến sức ép lạm phát gia tăng - nhân tố mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đang muốn "xử lý."

Từ đầu tháng 8/2011 tới nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 0,8% so với đồng USD. Mức tăng này không nhiều, nhưng nếu nhìn lại bảy tháng đầu năm nay, với mức tăng chỉ đạt 2,3% mới thấy Bắc Kinh đang thúc đẩy quá trình lên giá của đồng tiền này, cho dù lo ngại về sức tăng trưởng kinh tế.

Quay lại năm 2008, Trung Quốc đã đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng việc tạm dừng đà lên giá của đồng Nhân dân tệ, và giữ vững chiến lược này tới tận tháng 6/2010 - một năm sau khi kinh tế Mỹ chính thức rơi vào suy thoái.

Grace Ng, chuyên gia kinh tế của JPMorgan đánh giá các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như vẫn đang trong giai đoạn "quan sát."

PBoC liên tục nhắc lại rằng lạm phát vẫn là mối lo số 1 của ngân hàng này. Như vậy, PBoC đang nghiêng về hướng duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, cho dù có quan ngại rằng tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu có thể khiến sự sa sút của Trung Quốc thêm trầm trọng.

Tuần trước, một số ngân hàng lớn, trong đó có UBS, đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2012, do lo ngại hoạt động xuất khẩu của cường quốc này sẽ sa sút.

Trong thời gian vừa qua, điều đặc biệt là Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ lên giá so với đồng tiền của một số đối tác thương mại chủ chốt, chứ không chỉ chỉ lên giá so với đồng USD.

Đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc (như Singapore và Indonesia), đồng Nhân dân tệ mạnh hơn là "vỏ bọc" để họ đẩy nhanh tốc độ lên giá của đồng nội tệ mà không gây nguy hiểm tới xuất khẩu./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục