Học sinh vùng lũ-những ước mơ khó thành sự thực

Thiên tai khắc nghiệt đã khiến nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đã nghèo càng nghèo hơn, có những ước mơ dù nhỏ bé vẫn khó thành hiện thực.
Hơn 10 tuổi em đã biết quán xuyến công việc nhà mỗi khi mẹ đi làm đồng hoặc bươn chải làm thuê. Em đã  sớm phải cùng mẹ chia sẻ những gánh nặng gia đình từ khi còn đang ngồi học ở mái trường trung học cơ sở.

Cơn lũ lớn nghiền nát ước mơ em

Cũng giống như nhiều gia đình khác ở Hương Khê (Hà Tĩnh), những gì giá trị nhất của ba mẹ con em Vũ Thị Lệ Chi đã bị cơn lũ lịch sử vừa đi qua đã cướp đi tất cả.

Gia đình Lệ Chi ở xóm Phú Hòa, Phú Gia luôn bị liệt về nghèo nhất nhì trong vùng. Cái nghèo đeo đuổi gia đình Lệ Chi ngày này qua tháng khác từ khi em lọt lòng cho đến khi trở thành một cô học sinh cấp 2 như bây giờ.

Lệ Chi sống trong gia đình có hai chị em cùng mẹ khác cha. Số là khi mẹ mang thai Chi bố em liên tục rượu chè đánh đập vợ. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu đến mức mẹ em phải đi đến hàng xóm để xin từng bát gạo, từng bắp ngô.

Nhưng người cha của em cứ mỗi lần có hơi men trong người là lôi vợ ra đánh đập. Mẹ em bị đánh nhiều đến mức số trận đòn còn nhiều hơn số bữa cơm được ăn no.

Cực chẳng đã, khi mang thai Chi được 3 tháng thì hai vợ chồng đã phải ly dị. Bị đuổi ra khỏi nhà khi bụng mang dạ chửa, mẹ Chi phải về tá túc nhờ một người họ hàng xa trong căn lều chỉ rộng hơn cái chiếu vài gang tay.

"Ngày sinh nở, trong nhà chả có lấy nổi 2 cân gạo... khi vượt cạn chỉ có bà cụ hàng xóm  ở bên cạnh. Lúc  Chi chào đời, chiếc chăn mỏng đã được xé nhỏ ra nhiều phần để làm tá lót quấn," mẹ Lệ Chi bùi ngùi.

Sau khi sinh Chi 2 năm thì mẹ đi bước nữa nhưng người đàn ông này cũng chẳng khá khẩm hơn khi liên tục say xỉn và đã có một đời vợ cùng hai đứa con. Sống với nhau được 5 tháng thì mẹ Chi và người ấy lại đường ai nấy đi nhưng vẫn kịp có với nhau thêm một người con tên Vũ Tuấn Phan.

Ba mẹ con sống trong căn lều lụp xụp những ngày mưa dữ trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài sân. Cả nhà chỉ trông vào hai sào ruộng mà liên tục mất mùa nên việc nhịn đói là rất đỗi quen thuộc với chị em Chi từ khi biết ăn cơm. Thậm chí, cho đến khi Chi được hơn 10 tuổi em vẫn chưa được một lần mặc quần áo mới vì "thấy nhà nghèo nên hàng xóm láng giềng thường xuyên mang cho quần áo cũ chứ cũng chẳng có tiền mà mua mới."

Thương con và căn lều nhỏ cũng không thể chịu nổi một trận mưa rào nữa, năm 2007,  được họ hàng cho vay 2 triệu đồng, ba mẹ con Lệ Chi mới có được 1 căn nhà gỗ nhỏ xinh trên mảnh đất của một người họ hàng tốt bụng.

Vì nhà quá nghèo nên ngay từ khi mới biết đi học, Chi đã phải giúp mẹ làm những công việc nhà, đến khi được hơn 10 tuổi em đã biết tính toán đong đếm hũ gạo làm sao để ăn bữa hôm nay ngày mai không phải nhịn đói."

Cuộc sống gia đình ba mẹ con nghèo nhất nhì vùng Phú Gia-Hương Khê này càng trở nên khó khăn hơn khi cơn lũ bất ngờ cuốn đi nốt những đồ dùng vốn đã quá đơn sơ. Ước mơ được mặc quần áo mới của em càng trở nên xa vời hơn. Thứ quý giá nhất trong nhà em giờ là thùng mì tôm cứu trợ mà nhà nước cấp cho khi lũ về...

Học lên cấp 3: Giấc mơ khó thành

Tôi thật sự bất ngờ với sự chín chắn của cô học trò nhỏ tuổi Lệ Chi khi gặp em trong đợt trao học bổng khuyến học của Tập đoàn VNPT tại Hà Tĩnh. Khó khăn đã khiến cho cô bé đánh mất dần những suy nghĩ trong sáng hay những ước mơ của tuổi măng non.

"Hôm được các bác ở hội khuyến học thông báo em được nhận học bổng của VNPT mà cả ba mẹ cứ vui như tết. Thế là mẹ đã có tiền để mua gạo, em và cu Phan không còn phải nhịn đói nữa rồi... Trước hôm lên tỉnh để nhận học bổng, hai mẹ con em cả đêm không ngủ được. Chỉ mong trời sáng thật nhanh…” Chi kể.

500 nghìn đồng học bổng lần này vô cùng ý nghĩa với ba mẹ con. Với những người sống ở thành phố nơi chỉ cách Hương Khê vài chục cây số, 500 nghìn chỉ đủ cho hai người đàn ông ngồi quán bia cỏ cà kê hết trận bóng đá hoặc cho một lần đi sửa sang đầu tóc của các chị em. Nhưng với mẹ con em Lệ Chi, khoản tiền này sẽ đủ để học tính toán rất nhiều việc, thậm chí còn là để “đầu tư” trong tương lai.

Dẫu là học bổng của con nhưng với hoàn cảnh khó khăn như vậy, bà mẹ bắt buộc phải dùng để “đầu tư” cho việc khác. “Mình sẽ đi vay thêm để mua một con bò cho cháu đi chăn mỗi khi đi học về. Ngoảng đi ngoảnh lại bò mẹ đẻ bò con cũng có lãi…”

Chừng đó thôi, số tiền học bổng nhỏ bé đủ ý nghĩa biết bao cho một gia đình nghèo sau cơn đại hồng thủy.

Liên tục đạt danh hiệu học sinh khá giỏi nhưng việc được đi học cấp 3 đối với Chi đúng như là một giấc mơ khó thành sự thật. Chi không dám nghĩ đến, vì "mẹ làm gì có tiền cho em đi học ở trường huyện!"

Khi được hỏi nếu có tiền ăn học thì em sẽ ước mơ làm nghề gì, cô bé nói “em sẽ là bác sỹ để về quê chưa bệnh cho dân nghèo. Quê em nhiều người nghèo như mẹ con em lắm, họ đều không có tiền chữa bệnh giống như mẹ em có đau ốm thì toàn nằm ở nhà vài ngày rồi tự khỏi..."

Thế đấy, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất một năm đối diện với hai mùa lũ và hạn, ngay cả những đứa trẻ cũng suy nghĩ thực tế hơn, sâu sắc hơn./.
Tập đoàn VNPT đã trao tặng các em học sinh vùng lũ của tỉnh Hà Tĩnh 150 suất học bổng trị giá 750 triệu đồng và 200 thẻ bảo hiểm trị giá 5 triệu đồng/thẻ cho học sinh nghèo đạt kết quả cao trong học tập.

Đây là đợt trao tặng nằm trong chương trình “VNPT-Chắp cánh tài năng Việt” được tổ chức thường niên và trên nhiều địa phương khác nhau.
Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục