Phát triển công tác xã hội để tăng trưởng bền vững

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định Việt Nam sẽ phát triển nghề công tác xã hội thành chuyên nghiệp.
Nhấn mạnh phát triển nghề công tác xã hội sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ phát triển nghề công tác xã hội thành loại hình chuyên nghiệp để hỗ trợ tích cực cho công tác an sinh xã hội.

Công tác xã hội là một nghề chuyên giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khó khăn, bị đẩy ra ngoài xã hội, qua đó góp phần giảm thiếu những rào cản, sự bất bình đẳng trong xã hội.

Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội thảo về phát triển nghề công tác xã hội.

Tại cuộc họp thông báo nội dung hội thảo, diễn ra chiều 29/10 ở Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết việc tổ chức hội thảo không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội, mà còn tạo điều kiện cho các cán bộ Việt Nam trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội của các nước, trên cơ sở đó đề xuất định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.

Hội thảo cũng là buổi tham vấn cuối cùng cho Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2015 để trình Chính phủ phê duyệt.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc UNICEF nhận đinh, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như quản lý và chăm sóc trẻ lang thang, trợ giúp các đối tượng nghiện ma tuý và mại dâm cai nghiện, phục hồi nhân phẩm. Do đó, thời gian trước mắt, việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác xã hội cần tập trung vào các lĩnh vực như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo trợ xã hội, người tàn tật và người cao tuổi, phòng chống tệ nạn xã hội.

Nghề công tác xã hội mới được hình thành ở Việt Nam từ năm 2004, nên việc tổ chức đào tạo nghề này tại các cơ sở đào tạo còn hạn chế. Các hoạt động công tác xã hội còn mang tính tự phát và chưa được xem là nghề chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, trong đó có khoảng 200.000 người già cô đơn, 5,3 triệu người tàn tật, trên 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2,7 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ cấp, trợ giúp từ Nhà nước hàng tháng.

Bởi vậy, việc phát triển nghề công tác xã hội được xem là yêu cầu cấp thiết, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ về công tác xã hội. Hiện ở Việt Nam có khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm chữa bệnh-giáo dục lao động và hàng chục ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên. Ngoài ra, gần 40 trường đại học, cao đẳng cũng đang tiến hành đào tạo loại hình nghề nghiệp này với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 2.000 người.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam cần trên 20.000 cán bộ công tác xã hội có trình độ cao đẳng, đại học. Mỗi xã, phường, thị trấn cần từ 1-2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội chuyên trách hoặc cộng tác viên./.

Hương Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục