Mỹ kêu gọi Nhật tham gia tập trận chung Mỹ-Hàn

Ngày 9/12, Mỹ kêu gọi Nhật tham gia các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ-Hàn nhằm tạo ra khả năng răn đe đối với Triều Tiên.
Đô đốc Hải quân Mike Mullen, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 9/12 đã kêu gọi Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ-Hàn Quốc nhằm tạo ra khả năng răn đe đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Tokyo, Đô đốc Mullen cho rằng việc Nhật Bản tham gia nhiều cuộc huấn luyện quân sự sẽ mang lại lợi ích chuyên môn và giúp ích rất nhiều cho liên minh Mỹ-Hàn.

Ông Mullen bày tỏ "mong muốn Nhật Bản tham gia các cuộc tập trận này và giúp ích cho sự ổn định và an ninh trong khu vực."

Trước lời kêu gọi của Đô đốc Mullen, một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ám chỉ khả năng trên là khó thực hiện vì điều này không phù hợp với khuôn khổ Hiến pháp Hòa bình, theo đó quy định lực lượng phòng vệ nước này không được quyền phòng thủ tập thể và tham gia các cuộc tập trận đa phương.

Cùng ngày, Trung Quốc cảnh báo răn đe quân sự sẽ khiến căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên hơn là giúp giải quyết vấn đề. Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc thông báo tiếp tục các cuộc tập trận chung hôm 8/12.

Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, cảnh báo việc giải quyết thiếu hợp lý các vấn đề trên có thể gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình, ổn định và những lợi ích chung trong khu vực.

Bắc Kinh thúc giục các bên liên quan hành động có trách nhiệm, thận trọng và tích cực hơn. Bà cho biết chính sách hiện nay của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên là chiểu theo những lợi ích lâu dài của các bên và Bắc Kinh đã đóng vai trò tích cực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân nước này Akitaka Saiki - đại diện của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên - ngày 9/12 lên đường thăm Nga để thảo luận với giới chức nước này về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Dự kiến, ông Saiki sẽ hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin.

Trước đó, tại Washington hôm 6/12, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara cho biết, ông sẽ cử Đặc phái viên Saiki, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tới Mátxcơva và Bắc Kinh để bày tỏ lập trường của Tokyo trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên - bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga - bắt đầu từ tháng 8/2003 và đã bị đình trệ từ tháng 12/2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục