START mới chưa được thông qua trong năm nay

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới mà Mỹ và Nga vừa ký có thể phải đợi tới năm sau mới được Thượng viện Mỹ xem xét.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới mà Mỹ và Nga vừa ký ngày 8/4 vừa qua có thể phải đợi tới năm sau mới được Thượng viện Mỹ xem xét.

Đó là tuyên bố của Thượng nghị sỹ Lamar Alexander trên kênh truyền hình Fox News Sunday ngày 11/4.

Theo Thượng nghị sỹ Alexander, phải mất một năm rưỡi START-1 mới được thông qua vào năm 1991. Đối với START mới, không có cơ hội để hiệp ước này được phê chuẩn ngay trong năm nay.

Để được phê chuẩn tại Thượng viện 100 ghế, START mới cần đạt 67 phiếu thuận, nhưng đảng Dân chủ và hai nghị sỹ độc lập chỉ nắm 59 phiếu nên cần tới ít nhất 8 ghế của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp khó khăn hơn nữa khi nghị sỹ độc lập Joseph Lieberman tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News cùng ngày rằng ông sẽ không ủng hộ START mới nếu chính phủ chưa cam kết sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình nhằm đối phó với nguy cơ gia tăng sức mạnh hạt nhân trên toàn cầu.

Xét về tương quan lực lượng, việc đảng Dân chủ muốn kiếm đủ phiếu ủng hộ là rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm ngoái, hàng chục thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Tổng thống Barack Obama nói rằng START mới không được hạn chế và ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ.

Hiện các nghị sỹ Dân chủ đang đẩy nhanh kế hoạch điều trần về hiệp ước vào đầu tháng Năm tới để Thượng viện có thể thông qua START mới trong năm nay.

Theo START mới, số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên sẽ giảm hơn 30% so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược ký tại Mátxcơva, Nga, đầu năm 2002, từ 2.200 xuống còn 1.550 đầu đạn.

START mới có hiệu lực 10 năm kể từ ngày Quốc hội hai nước phê chuẩn và có thể gia hạn mỗi lần 5 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục