Châu Á sẽ đuổi kịp Mỹ và châu Âu trong 5 năm tới

Theo đánh giá của IMF, trong 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới và có thể sánh ngang với Mỹ và châu Âu.
Theo báo cáo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), với xu hướng phát triển hiện nay, trong vòng 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ tăng khoảng 50%, chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới và có thể sánh ngang với nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Nhận định của IMF, được công bố trên Tạp chí Tài chính và Phát triển số ra tháng 6/2010, cho rằng trong vòng 20 năm tới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á sẽ vượt xa các nền kinh tế công nghiệp khối G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy.

Theo Giám đốc IMF khu vực châu Á-Thái Bình Dương Annop Singh, khả năng đến năm 2030 châu Á trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới là rất lớn bởi điều này đã được thể hiện rõ qua những thành tựu mà khu vực này đạt được trong vòng hai thập niên qua.

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã tăng gấp đôi thị phần thương mại toàn cầu và tăng trưởng GDP rất mạnh mẽ, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, "hiện tượng châu Á" sẽ không chỉ dừng lại ở hai quốc gia trên, mà điều quan trọng hơn là các nền kinh tế châu Á "hết sức đáng tin cậy và phát triển vững chắc." Theo ông Singh, đây là những tiền đề quan trọng để châu Á đóng góp rất lớn vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới thời gian qua.

Nhìn nhận lại thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, ông Singh cho rằng châu Á không nằm trong "tâm bão" do đã cẩn trọng tránh né làn sóng ảnh hưởng của thị trường cổ phiếu "độc hại" dù xuất khẩu của khu vực này ít nhiều bị chi phối bởi nhu cầu sụt giảm của các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2009, các nền kinh tế tại khu vực đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, sản lượng hàng hóa và xuất khẩu đã tăng trở lại gần ngang bằng với thời kỳ tiền khủng hoảng, đặc biệt tại một số quốc gia vốn từng bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giám đốc khu vực châu Á của IMF khẳng định mặc dù vẫn còn một số rủi ro ngắn hạn, song bằng cách này hay cách khác, các nền kinh tế châu Á đã đứng dậy từ suy thoái.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia tại khu vực chú trọng tăng cường chính sách tiền tệ và tài chính, kích thích nhu cầu trong nước, đẩy mạnh liên hệ tài chính với các nền kinh tế khác trong khi cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh và hàng rào thuế quan đang dần được dỡ bỏ... hứa hẹn triển vọng phát triển tích cực trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục