Nuôi cấy thí nghiệm thành công loại phổi nhân tạo

Theo tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu Mỹ đã nuôi cấy thí nghiệm thành công loại phổi nhân tạo có thể dùng cho chuột vài giờ.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm loại phổi nhân tạo có thể dùng cho chuột vài giờ.

Thành quả này được đăng trên tạp chí Nature Medicine số ra ngày 14/7, có thể là bước tiến mới trong phát triển các bộ phận mới từ tế bào gốc của chính các bệnh nhân.

Trong nghiên cứu mới nhất này, chuyên gia Harald Ott cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Trường y Harvard ở Boston đã lấy các tế bào ra khỏi phổi chuột và chỉ để lại phần bên ngoài như một bộ khung hỗ trợ.

Sau đó, các chuyên gia ngâm số tế bào này vào một lò phản ứng sinh học cùng với một vài loại tế bào phổi của người, tiếp theo tạo áp suất mô phỏng áp suất bên trong cơ thể nhằm làm cho "lá phổi" này có thể hoạt động linh hoạt.

Nhóm chuyên gia cho biết các tế bào này sau đó đã thích nghi với môi trường sống và phát triển thành các mô khác nhau giống như trong một lá phổi. Khi được cấy ghép vào cơ thể chuột, lá phổi này đã hoạt động được khoảng 6 giờ. Theo các nhà nghiên cứu, vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều thử nghiệm trước khi ứng dụng thực tiễn.

Thống kê cho thấy ở Mỹ hiện có gần 25 triệu người phải chung sống với bệnh nghẽn phổi kinh niên và hàng năm có gần 120.000 bệnh nhân tử vong vì bệnh phổi ở giai đoạn cuối.

Trong khi đó, ghép phổi vẫn là biện pháp điều trị cuối cùng đối với bệnh phổi giai đoạn cuối, song số người hiến phổi lại có hạn.

Trong năm 2005, chỉ có một trong số 4 bệnh nhân chờ nhận phổi được cấy ghép. Thành quả này mở ra hy vọng mới cho các bệnh nhân đang phải chống chọi với nhiều loại bệnh nan y liên quan tới phổi./.

Ngọc Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục