Cơ hội giao thoa văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc

Chủ tịch Ủy ban Chính phủ về thương hiệu quốc gia Hàn Quốc hy vọng thông qua "Tuần văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc", nhiều người Việt Nam cảm thấy sự lan tỏa văn hóa Hàn Quốc.
Ủy ban Chính phủ phụ trách về thương hiệu quốc gia (PCNB) của Hàn Quốc là cơ quan chủ quản tổ chức sự kiện "Tuần văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc" từ ngày 18-25/10 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Euh Yoon-Dae - Chủ tịch PCNB cho rằng, sau 17 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa.

Ông Euh cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc vốn có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán, điều này khiến cho quá trình giao lưu văn hóa có thể phát triển một cách thuận lợi.

Thông qua "Tuần văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc" lần này, ông Euh hy vọng rằng người Việt Nam sẽ cảm thấy sự lan tỏa văn hóa Hàn Quốc.

Ông Euh cho biết hiện tại hai nước đang xúc tiến các dự án chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Ông Euh mong muốn những dự án này sẽ được thực hiện thành công để tác động tích cực đối với những lĩnh vực hợp tác song phương khác, đặc biệt là văn hóa, giáo dục.

Theo ông Euh, hàng chục ngàn học sinh Việt Nam đã sang học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hơn 2.200 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đã và đang sử dụng một số lượng lớn lao động sở tại. Chính vì vậy, hội chợ việc làm với sự tham gia của 20 công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Samsung Electronics hay Keangnam Enterprise, tại Hà Nội lần này được xem là một điểm nhấn của Tuần văn hóa Việt-Hàn.

Bên cạnh đó hoạt động giao lưu giữa các trường đại học cũng là một chương trình được Ủy ban đặc biệt quan tâm nhằm tạo cầu nối giữa giới thanh niên-trí thức hai nước.

Trước đây, khi ông Euh là Hiệu trưởng Trường đại học Korea - một trong những trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc, ông có nhiều dịp tiếp xúc với các lưu học sinh Việt Nam đang nghiên cứu học tập tại trường. Ông cho rằng các giáo sư Hàn Quốc đều đánh giá cao năng lực, trí tuệ của các nghiên cứu sinh Việt Nam. Các lưu học sinh Việt Nam có thái độ làm việc chăm chỉ, trung thực và rất ham học hỏi.

Theo ông Euh, Việt Nam cần chú trọng điều chỉnh ngành nghề học tập nghiên cứu cho lưu học sinh nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước. Các chương trình học bổng chính phủ của Hàn Quốc hiện nay dành cho Việt Nam khá rộng rãi và trao quyền định hướng ngành nghề cho phía Việt Nam. Đây là một điểm hết sức thuận lợi để Việt Nam xây dựng đội ngũ trí thức có chuyên môn sâu.

Về vai trò của Ủy ban Chính phủ phụ trách về thương hiệu quốc gia, ông Euh cho biết Hàn Quốc hiện đã vươn lên mạnh mẽ, đứng vào top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới, song thương hiệu quốc gia Hàn Quốc đang bị đánh giá ở mức thấp hơn giá trị thực.

Chính vì thế Ủy ban này được thành lập nhằm tìm cách phát huy tối đa các thế mạnh của quốc gia.

Mục tiêu trước mắt của Ủy ban là đưa thương hiệu quốc gia Hàn Quốc lên ngang tầm với thương hiệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)./.

Khánh Vân-Hoài Thanh/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục