Đề xuất thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia

Thảo luận dự án Luật dự trữ quốc gia, các đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp, chiều 11/6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia. Trong các phiên họp trước, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận dự án Luật này tại tổ.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, tán thành sự cần thiết ban hành Luật dự trữ quốc gia (dự trữ quốc gia) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, so với Pháp lệnh hiện hành, Dự thảo luật đã cụ thể hóa, bổ sung nhiều nội dung, hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện.

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận là về mục tiêu dự trữ quốc gia. Theo quy định trong Dự thảo, mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về mục tiêu trong Dự thảo luật là quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia và chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia và đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải. Theo đó, nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia.

 

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), cần xác định phạm vi hẹp lại cho phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia và nguồn lực có thể đáp ứng được. Đại biểu cho rằng, bản chất của dự trữ quốc gia là nhằm đối phó với những vấn đề về quốc phòng-an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng nên cần xem lại mục tiêu bình ổn thị trường để tránh trùng lắp với những quy định về trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực bình ổn thị trường trong dự thảo Luật giá.

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng đề nghị cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định dự trữ quốc gia được sử dụng để bình ổn thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vì đây là mục tiêu rất khó thực hiện và có xu hướng đi ngược lại với mục tiêu phát triển nền kinh tế cơ chế thị trường do thị trường điều tiết. Bảo đảm an sinh xã hội cũng là nhiệm vụ có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, thực trạng nguồn dự trữ quốc gia hiện nay cũng chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thu hẹp lại mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia và tránh tình trạng dàn trải, không hợp lý. Nguồn lực dự trữ quốc gia phải được sử dụng trong những trường hợp hết sức cấp bách.

 

Liên quan đến kỹ thuật lập pháp, theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số đại biểu, không nên quy định về mục tiêu ngay tại Điều 1 của dự thảo Luật bởi Điều 1 và Điều 2 thường chỉ quy định liên quan đến đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng cho rằng, không nên quy định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong Luật mà nên điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ), mỗi địa phương có cách bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội khác nhau theo Chiến lược kinh tế xã hội mỗi vùng miền. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, không cần thiết đưa mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội bởi những nội dung này đã nằm trong phạm vi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.

 

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn dự trữ quốc gia hiện còn mỏng nên thời gian qua mục tiêu góp phần ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt yêu cầu nhưng không vì thế mà bỏ mục tiêu này. Mặt khác, việc bổ sung mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, là căn cứ để quyết định các mặt hàng dự trữ quốc gia và quyết định mức dự trữ quốc gia.

Cũng đồng tình với quy định của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, thông qua việc mua, bán hàng dự trữ quốc gia, góp phần ổn định thị trường. Đây cũng là một trong những nhân tố trong tổng thể các nhân tố điều chỉnh cung cầu cũng như các chính sách của Nhà nước. Tuy vậy, đại biểu cũng tán thành việc bỏ mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, cũng không nên thiết kế vấn đề mục tiêu thành một điều riêng. Một số đại biểu đề nghị đưa nội dung này vào Điều 5 của Dự thảo Luật.

 

Theo phân tích của đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang), dự trữ quốc gia có ít nhất 3 nguồn lực gồm: Dự trữ tài chính; dự trữ chuyên ngành; dự trữ vật chất hàng hóa thiết yếu. Do đó, cần xác định rõ phạm vi 3 nguồn lực dự trữ quốc gia trong Luật này. Theo đại biểu, không cần thiết quy định bình ổn thị trường với tất cả các mặt hàng nhưng có những lĩnh vực dứt khoát phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua dự trữ quốc gia để bình ổn như năng lượng, lương thực.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong thực tế, dự trữ quốc gia chưa bao giờ được sử dụng để bình ổn giá, điều tiết thị trường hoặc các hoạt động không đúng bản chất của dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động dự trữ quốc gia, mua, bán hàng dự trữ quốc gia tuy không trực tiếp nhưng gián tiếp góp phần điều tiết thị trường, bình ổn giá. Vì thế, để thể hiện mục tiêu cho phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý vấn đề này.

 

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành dự trữ quốc gia; tổng mức dự trữ quốc gia; mua, bán hàng dự trữ quốc gia...

 

Theo Chương trình, ngày mai, 12/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục