Giá dầu ngọt nhẹ dưới ngưỡng 80 USD mỗi thùng

Chốt phiên 9/8, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2011 giảm 2,35 USD, xuống còn 78,96 USD/thùng,
Trong phiên giao dịch ảm đạm ngày 9/8, tại thị trường châu Á, giá dầu tiếp tục đi xuống, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's lần đầu tiên tuyên bố hạ mức đánh giá tín dụng của Mỹ, gây chấn động thị trường hàng hóa toàn cầu; đồng thời làm dấy lên mối lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới sẽ suy giảm.

Chốt phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng Chín năm nay giảm 2,35 USD (2,89%), xuống còn 78,96 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 30/9/2010. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,82 USD (1,75%), xuống còn 101,92 USD/thùng.

Cuối tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor 's đã quyết định hạ mức đánh giá tín dụng nợ công của Mỹ từ AAA xuống AA +, do cho rằng Washington không có khả năng kiềm chế lượng thâm hụt ngân sách đang ngày một gia tăng nhanh chóng.

Không những vậy, quyết định của Standard & Poor's cũng xuất phát từ những số liệu kinh tế thiếu tích cực từ Mỹ, khi mà tỷ lệ tăng trưởng việc làm và lĩnh vực dịch vụ trong tháng Bảy vừa qua của nước này đều rất yếu kém. Động thái bất ngờ này đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc suy thoái kinh tế mới tại Mỹ, cũng như tình trạng ngày càng xấu đi của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Trong phiên giao dịch hôm trước (8/8) tại thị trường New York, quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng của Standard & Poor's đối với Mỹ cũng kéo giá dầu giảm hơn 5% so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên này, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng Chín năm nay giảm 5,57 USD, đóng cửa ở mức 81,31 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 5,63 USD, xuống còn 103,74 USD/thùng.

Một số chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ rơi vào một cuộc suy thoái kép, và điều này sẽ tác động mạnh tới nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, những lo ngại gần đây về việc cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu có thể lan sang Italy, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, cũng đã ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tin của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Shailaja Nair, thuộc trang thông tin năng lượng thế giới Platts, cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu "tụt dốc" và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cũng là những nhân tố đẩy giá dầu xuống./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục