"Sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân là cần thiết"

Đại biểu Quốc hội Lê Đắc Lâm và đại biểu Lê Minh Thông cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.
Luật thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong dân cư.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Bên lề kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận), Lê Minh Thông (tỉnh Thanh Hóa) về những vấn đề của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cơ bản đồng ý với Dự thảo luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng, đồng thời bổ sung quy định khi giá thị trường biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Điều này phù hợp với diễn biến chỉ số CPI và sức mua của đồng Việt Nam, đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP... góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng; thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu .

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Đắc Lâm, nếu tính kỹ hơn để không phải điều chỉnh mức thuế thu nhập, tránh bị động, lạc hậu và không phải thay đổi liên tục, dự án Luật không nên quy định con số cụ thể mà nên chăng tính theo tỷ lệ lương tối thiểu với hệ số khoảng 7-8 lần. Điều này đồng nghĩa với lương tối thiểu tăng, thuế thu nhập sẽ tự động tăng theo và không cần điều chỉnh, qua đó, còn góp phần tạo sự ổn định, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo.

Đại biểu Lê Đắc Lâm nhấn mạnh đáng chú ý tại dự thảo Luật là mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ở mức 3,6 triệu đồng là phù hợp, đáp ứng được mức sống chung của xã hội, đồng thời, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân lần này đã đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết.

Chia sẻ khó khăn với người dân

Đánh giá về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng Dự thảo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của sự phát triển trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và thể hiện rõ quan điểm nhà nước chia sẻ với người dân khó khăn này. Kỳ họp Quốc hội thứ 3 đã thông qua miễn giảm thuế thu nhập cá nhân với người có thu nhập bậc 1, đây cũng là bước tháo gỡ khó khăn cho người làm công ăn lương. Dự thảo sửa đổi lần này là bước tiến nữa để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Đại biểu Lê Minh Thông cho rằng với mức trượt giá như hiện nay, mức ấn định thuế 9 triệu đồng là phù hợp nhưng mức 9 triệu đồng này sẽ nhanh chóng lạc hậu nếu Việt Nam không kiềm chế được lạm phát, nâng cao được giá trị đồng tiền Việt Nam. Không tạo được niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, trong tương lai, Việt Nam lại phải tiếp tục nới rộng mức đóng thuế.

Theo đại biểu Lê Minh Thông, việc nâng mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân làm ngân sách nhà nước hụt một khoản thu, theo dự toán tính từ 1/7/2013, số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Điều này làm cho ngân sách khó khăn nhưng không vì khó khăn của ngân sách nhà nước mà không tính đến khó khăn của người dân. Đây chính là điểm đánh giá cao sự chia sẻ của nhà nước đối với người dân. Ngoài ra, điều này còn thể hiện sự quan tâm, nuôi dưỡng đầu tư xã hội, Nhà nước có thể hạn chế đầu tư để tăng mức đóng thuế đồng nghĩa với việc gián tiếp thúc đẩy đầu tư xã hội vì người dân có tiền sẽ kích cầu mua sắm, kích cầu tiêu dùng qua đó kích thích, phát triển sản xuất.

Đại biểu Lê Minh Thông chia sẻ nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh như trong dự thảo luật, đối tượng nộp thuế sẽ bị thu hẹp chỉ còn khoảng 1 triệu người. Thoạt nhìn, điều này không đúng với tinh thần ngày càng mở rộng diện đóng thuế nhưng đây là bước đệm để chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo vì khi dân giàu lên, người đóng thuế sẽ tự động tăng. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân là cần thiết./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục