Khởi động liên hoan phim Đức 2010 ở Việt Nam

Liên hoan phim Đức trong 5 tuần với 50 buổi chiếu là hoạt động thuộc chương trình “Năm Đức ở Việt Nam” khai mạc ngày 5/5 ở Hà Nội.
Liên hoan phim Đức 2010 ở Việt Nam và Triển lãm sách dịch Đức là hoạt động thuộc chủ đề Nghệ thuật trong khuôn khổ chương trình “Năm Đức ở Việt Nam” sẽ cùng khai mạc ngày 5/5 tại Hà Nội.

Liên hoan phim Đức sẽ khai mạc tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và kéo dài trong năm tuần với 50 buổi chiếu.

Công chúng Việt Nam sẽ có thêm cơ hội biết nhiều hơn về điện ảnh Đức đồng thời hình dung rõ nét hơn về nước Đức đương đại. Với Liên hoan phim này, khán giả có cơ hội xem những bộ phim Đức đã từng đoạt giải tại các liên hoan phim Berlin, Oscar… trong vài năm gần đây.

Lần đầu tiên, Liên hoan phim Đức sẽ diễn ra ở năm thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Năm bộ phim chọn giới thiệu lần này đang là những phim được yêu thích ở Đức. “Sống từng ngày,” bộ phim vừa hoàn thành vào đầu năm 2010 là câu chuyện tình cảm động giữa chàng trai trẻ người Đức với một cô gái điếm Campuchia… được chiếu vào tối ngày khai mạc.

Các phim được chiếu trong dịp này đều là phim gốc tiếng Đức, với phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt. 20 giờ ngày 6/5 sẽ là phim "Lời dối trá và tình yêu," "Mùa hoa anh đào." Tối 7/5 chiếu phim "John Rabe." Những ngày tiếp theo sẽ chiếu các phim "Krabat và cối xay phù thủy" và những bộ phim trên.

Trong số này, bộ phim "John Rabe" được sản xuất năm 2009, của đạo diễn Florian Gallenberger có thời lượng 134 phút, quy tụ các diễn viên Ulrich Tukur, Daniel Brühl, Steve Buscemi, Zhang Jingchu. Bối cảnh phim là Nam Kinh, Trung Quốc, năm 1937.

Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn đoạt giải Oscar Florian Gallenberg, bộ phim đã tái dựng câu chuyện hấp dẫn và cảm động về người anh hùng đầy mâu thuẫn John Rabe, từng được nhiều người coi như "Phật sống“ tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Triển lãm sách dịch Đức kéo dài trong một tuần sẽ được khai mạc ở Thư viện Quốc gia Việt Nam sáng 5/5. Đây là lần đầu tiên trưng bày hơn 400 đầu sách dịch từ các tác giả Đức ngữ, bao gồm chủ yếu là các tác giả người Đức, Thụy Sỹ và Italy./.

Mai Anh (Vietnam)

Tin cùng chuyên mục