Liên kết khai thác các sản phẩm du lịch Nam Bộ

Để phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch mỗi tỉnh ở khu vực Nam Bộ cần liên kết chặt chẽ theo quy hoạch chung của toàn vùng.
Nam Bộ vẫn thường được gọi là vùng đất mới về tuổi đời lịch sử và bề dày văn hóa. Nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều vốn di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử nói riêng mang những giá trị không kém đặc sắc và có ý nghĩa đặc biệt đối với du lịch.

Tuy nhiên, khai thác du lịch văn hóa-di tích là công việc không phải dễ và muốn thương hiệu này gắn với vùng Nam Bộ, đòi hỏi ngành du lịch toàn vùng phải tạo ra môi trường du lịch văn hóa-di tích lịch sử hấp dẫn.

Chỉ tính riêng hệ thống di tích ở nơi đây, người ta có thể thống kê hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Trong vùng còn có một hệ thống các bảo tàng hoặc bộ sưu tập - trưng bày có giá trị gắn với các di tích và hàng trăm lễ hội của mỗi địa phương.

Các di tích, bảo tàng, lễ hội ấy đều là những điểm đến quan trọng trong hệ thống các tuyến điểm du lịch văn hóa thú vị của vùng. Thế nhưng, loại hình du lịch này trong thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường, trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ nhận định, hiện nay chỉ một số di tích, lễ hội như di tích Xẻo Quýt - Đồng Tháp, nhà tù Phú Quốc - Kiên Giang, cụm khu di tích Núi Sam - An Giang, lễ hội Nghing Ông Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh được ngành du lịch chú ý đầu tư phát triển, thu hút du khách.

"Các di tích còn lại thường chỉ hoạt động mang tính đơn lẻ trong thời điểm diễn ra lễ hội. Do vậy, vấn đề đặt ra cho việc khai thác các di sản văn hóa trên vùng đất này không phải là xây dựng các bảo tàng, mà phải tạo ra ngay tại các di tích, lễ hội môi trường du lịch, tạo điều kiện cho du khách hội nhập thật sự vào môi trường đấy một cách trọn vẹn nhất," tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Du lịch tâm linh hướng về các di tích lịch sử, lễ hội đang dần chiếm ưu thế so với các loại hình du lịch khác. Loại hình du lịch này cũng đã bắt đầu thu hút nhiều công ty lữ hành, cá nhân, tổ chức tham gia khai thác. Tuy nhiên, do chưa được quản lý tốt và thiếu liên kết với nhau giữa các đơn vị du lịch mà hiệu quả khai thác loại hình du lịch này chưa cao.

Ông Nguyễn Hùng Cường chia sẻ, đã có sự cạnh tranh không lành mạnh tại một số di tích. Chẳng hạn, khu căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp nằm trong khuôn viên khu du lịch Xẻo Quýt, Đồng Tháp có hai nhóm dịch vụ của Bảo tàng tỉnh và Công ty cổ phần du lịch tỉnh Đồng Tháp. Hai bên đã thiếu sự hợp tác để thống nhất về giá cả, phân chia khu vực phục vụ, dẫn đến việc lôi kéo khách.

Hơn nữa, các công ty du lịch cũng chưa kết hợp các loại hình du lịch trong một tuyến du lịch, cũng như chưa có những tour du lịch văn hóa theo chuyên đề liên tỉnh, trong khi số lượng di tích lịch sử-văn hóa của vùng hoàn toàn đáp ứng được những tour du lịch này.

Ngoài lễ hội Bà Chúa Xứ, Núi Sam - Châu Đốc, An Giang tồn tại lâu dài, thu hút số lượng lớn du khách mang tính nổi trội, các tỉnh Tây Nam Bộ cũng cần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp, Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để thu hút du khách, ngành du lịch vùng cần tạo ra nhiều hơn nữa các mô hình du lịch văn hóa-du lịch đến với các giá trị văn hóa, di tích và chất lượng cao hơn.

Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi ngành du lịch mỗi tỉnh cũng như các đơn vị lữ hành cần hợp tác, liên kết chặt chẽ theo quy hoạch du lịch chung của toàn vùng. Có như vậy việc phát triển loại hình du lịch này mới lâu dài và bền vững./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục