MarketWatch: 5 nơi tránh đầu tư chứng khoán

Năm địa điểm này là thị trường chứng khoán Trung Quốc, Brazil, Anh, khu vực Nam châu Âu và một số công ty sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong gần sáu tuần đầu tiên của năm 2010, thị trường chứng khoán thế giới nói chung liên tục nằm trong xu thế mất điểm, với chỉ số MSCI/Barra EAFE của châu Âu, Australia và Trung Đông bị mất 5,8% giá trị, sau khi tăng tới 31% trong năm 2009.

Mạng MarketWatch, thành viên của The Wall Street Digital Network do công ty Dow Jones & Co. đứng đầu, lưu ý các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới cần thận trọng khi quyết định đổ thêm tiền vào đâu trong giai đoạn này.

Cũng theo mạng này, có năm địa điểm mà các nhà đầu tư nên tránh, ít nhất là thời điểm hiện nay, đó là thị trường chứng khoán Trung Quốc, Brazil, các cổ phiếu tài chính của Anh, khu vực Nam châu Âu và cổ phiếu một số công ty sản xuất hàng tiêu dùng của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Đối với Trung Quốc, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đóng vai trò là động lực cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng như sự phục hồi trên toàn cầu. GDP của Trung Quốc tăng 8,7% trong năm 2009, vượt chỉ tiêu 0,7 điểm phần trăm, là yếu tố kích thích tài chính lớn, cùng với hoạt động cho vay ngân hàng đã giúp nước này thoát khỏi suy thoái, mặc dù thương mại toàn cầu vẫn yếu.

Tuy nhiên, theo ông Alexander Young, nhà chiến lược thuộc công ty dịch vụ nghiên cứu chứng khoán S&P Equity Research Services, sự tăng trưởng này cũng có mặt trái của nó - đó là vấn đề về tính thanh khoản.

Ông Young nói: "Vấn đề của năm 2010 là làm thế nào để loại bỏ những rủi ro về tiền mặt. Tháng trước, Trung Quốc đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng và nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trước khi kết thúc quý I năm nay.

Ông Young khẳng định: "Trung Quốc từng là động lực tích cực cho tất cả các loại chứng khoán, nhưng tình hình hiện nay đã xoay theo hướng tiêu cực. Chứng khoán của Trung Quốc đang trên đà xuống giá".

Theo chỉ số MSCI/Barra, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng 59% giá trị trong năm ngoái, nhưng sau đó đã đảo chiều giảm 7,1% từ đầu năm tới nay.

Cũng trong thời gian đó, chỉ số FTSE/Xinhua China 25 Index sau khi đạt mức tăng 47% trong năm 2009 đã quay đầu giảm 10% từ đầu năm tới nay; trong đó, cổ phiếu CNOOC giảm 4,1% sau khi tăng 68% trong năm 2009.

Ông Young cho rằng Trung Quốc vẫn là cơ hội lớn để đầu tư dài hạn nhưng "về ngắn hạn thì không tốt chút nào".

Đối với Brazil, chỉ số MSCI/Barra cũng cho thấy chứng khoán của nước này đã giảm 14% từ đầu năm tới nay, sau khi đạt mức tăng tới 74% trong năm ngoái.

Theo nhà chiến lược Allan Nichols của công ty nghiên cứu đầu tư Morningstar Inc., nước này đang phải hứng chịu các "cơn gió ngược" từ việc chứng khoán tăng chóng mặt và sự không chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới.

Ông Nichols nói: "Lịch sử cho thấy nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong bộ máy chính phủ thì thị trường tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng. Rủi ro về tiền tệ có thể tăng nhanh khi càng tới gần thời điểm bầu cử vào mùa thu năm nay".

Ông cũng cho biết tình hình hoạt động của các công ty viễn thông Brazil không có bước tiến triển lớn, nhưng cuộc chiến về giá đã làm giảm giá cổ phiếu của họ, chẳng hạn cổ phiếu của công ty Companhia Energetic de Minas Gerais-CEMIG đã giảm 13,8% từ đầu năm tới nay sau khi tăng 68% trong năm 2009.

Cổ phiếu của các ngân hàng Brazil cũng trên đà sụt giảm sau khi được định giá quá cao trong năm ngoái, như cổ phiếu Itau Unibanco sau khi tăng tới 119% trong năm ngoái đã giảm 16% giá trị từ đầu năm tới nay, và cổ phiếu của iShares MSCI Brazil (NYSE:EWZ) giảm gần 15%, sau khi tăng 121,5% năm ngoái.

Ông Nichols nói: "Brazil là địa điểm đầu tư tốt cho nhiều năm tới. Năm nay, chứng khoán có thể giảm 20% nhưng 5 năm nữa có thể sẽ tăng gấp đôi".

Đối với nước Anh, ông Guy Monson, thành viên ban lãnh đạo công ty đầu tư Sarasin & Partners, cho rằng sự không chắc chắn trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, cùng với thâm hụt tài chính cao sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi vẫn còn mong manh của khu vực tài chính.

Theo ông Monson, các ngân hàng Anh phụ thuộc nhiều vào thị trường bán buôn và phải vay mượn hàng ngày trên thị trường "qua đêm" và các thị trường tiền mặt để giảm mức tiết kiệm trong hệ thống tài chính.

Ông cũng lưu ý các nhà đầu tư rằng hai phần ba lợi nhuận đạt được của các ngân hàng Anh là từ hoạt động ở nước ngoài.

Tại miền Nam châu Âu, nỗi lo lắng về khả năng trả nợ của Hy Lạp đang lan rộng sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và các nước thành viên EU khác, kể cả Ireland và Italy. Chỉ số IBEX 35 của thị trường chứng khoán Tây Ban Nha đã giảm 15% từ đầu năm tới nay và ASE Composite của Hy Lạp giảm 14%.

Đối với một vài chính phủ tại khu vực này, khó khăn trong việc trả nợ là điều không mới, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại vì Hy Lạp sẽ giảm chi ngân sách trong ít nhất hai năm tới, nên theo ông Nichols thuộc công ty Morningstar Inc., việc tránh đầu tư vào thị trường chứng khoán Hy Lạp là điều cần thiết.

Các ngân hàng của Tây Ban Nha, như Santander và BBVA, cũng đang phải chịu sức ép trả nợ lớn và tình hình làm ăn năm ngoái cũng không mấy khấm khá.

Ông Martin Jansen - Giám đốc Công ty quản lý đầu tư ING Investment Management, cho biết cổ phiếu của các công ty bán lẻ hàng tiêu dùng và hàng xa xỉ tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu tăng cao trong năm ngoái, nhưng hiện nay các công ty này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì "ít có khả năng nhu cầu tiêu dùng trở lại thời kỳ đỉnh cao trong khi sự canh tranh về giá cũng rất lớn".

Ông Jansen cũng cho biết cổ phiếu của Marks & Spencer và các công ty sản xuất hàng xa xỉ và đồ gia dụng, như Electrolux, đã giảm mạnh trong tuần vừa qua sau khi các công ty này thông báo không thu lãi trong quý cuối năm 2009.

Ông nhận định trong ngắn hạn, bạn có thể mua hàng hóa của các công ty sản xuất và bán hàng tiêu dùng tại các nước phát triển với giá tương đối rẻ, nhưng trong chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu của họ thì cần phải tính toán kỹ càng./.

Kim Yến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục