Nặng vì còn “tham”

Sách giáo khoa THPT: Chương trình nặng vì... “tham”

Chưa đến 2% học sinh trung học phổ thông chọn ban khoa học xã hội, chương trình vẫn nặng, giáo viên loay hoay đổi mới phương pháp…
Sau ba năm đổi mới chương trình, sách giáo khoa trung học phổ thông, chưa đến 2% học sinh chọn ban khoa học xã hội, chương trình vẫn nặng, giáo viên loay hoay đổi mới phương pháp…

Đây là những vấn đề “nóng” trong buổi Hội thảo Đánh giá ba năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Môn nào cũng biết, nhưng không biết gì

Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên tỉnh Lào Cai cho rằng chương trình hiện nay của Bộ là quá nặng. Nếu xét chương trình từng môn thì có thể nói Bộ đã thành công. Nhưng nếu gộp lại xét chung cả 13 môn thì không ổn. “Môn nào cũng tiếc, môn nào cũng muốn hoàn chỉnh nên tất cả đổ dồn vào học trò. Vì thế, các em, môn nào cũng biết nhưng cuối cùng lại không biết gì”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, có nhiều kiến thức không thật cần thiết lắm. Nếu tiếc không bỏ thì đề nghị đưa vào phần đọc thêm. Theo đó, thời lượng học nên giảm xuống 32 tuần. 37 tuần như hiện nay là quá nhiều.

Cùng ý kiến này, ông Đào Việt Hùng, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng chương trình không nặng nhưng xét tổng thể thì rất nặng. Giáo viên không còn thời gian để rèn luyện kỹ năng cho học sinh và không thể đổi mới phương pháp giảng dạy.

“Chương trình mới đã chú ý hơn tới rèn luyện kỹ năng cho học sinh hơn so với trước, đã coi trọng thí nghiệm, thực hành, nhưng còn nặng kiến thức, nhẹ về kỹ năng và đạo đức lối sống, thiếu những tiết cho học sinh làm việc nhóm và thuyết trình trước lớp”, ông Hùng nói.

Để giảm nhiệt cho chương trình, ông Lê Văn Phước, Phó trưởng Phòng Đào tạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho rằng Bộ nên tổ chức rà soát để giảm trùng lặp giữa một số bộ môn, ví dụ như môn Vật lý và Kỹ thuật công nghệ, môn Sinh học và môn Kỹ thuật nông nghiệp…

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng cho rằng Bộ hơi “tham” trong chương trình giảng dạy. "Bộ nên mạnh dạn cắt, ví dụ như nội dung môn công nghệ và vật lý, môn an ninh quốc phòng và môn sử có một số yếu tố trùng nên bỏ bớt."-vị đại diện này nói.

Đổi mới phương pháp giảng dạy: quá khó!

Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Ông Hùng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng giáo viên muốn đổi mới là rất khó khi sĩ số một lớp quá đông.

“Tôi yêu cầu giáo viên dạy ngoại ngữ là khi ra trường học sinh phải nói được. Nhưng giáo viên chịu. Một tiết 45 phút, một lớp bình thường có 45 học sinh, nghĩa là mỗi em chỉ có 1 phút. Trong khi làm cách bài thi môn này là trắc nghiệm chứ không  phải nói”, ông Hùng chia sẻ.

Nhìn ở một góc độc khác, ông Trần Viết Nhiệm cho rằng công tác đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên mới chỉ động tới phần chuyên môn mà chưa đồng bộ về tư tưởng, cơ chế chính sách. “Học sinh của tôi đã ghi vào phiếu nhận xét, đánh giá một giáo viên: 'Lúc đầu em nghĩ thầy không biết dạy. Nhưng sau giờ thao giảng, em nhận ra rằng thầy dạy rất hay. Em ước gì giờ nào cũng là giờ thao giảng!'. Không phải giáo viên không có năng lực, nhưng thiếu cơ chế nên họ không toàn tâm. Phải đổi mới cơ chế để động viên đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người thầy”, ông Nhiệm nói.

Còn theo ông Đào Việt Hùng, giáo viên vẫn đang loay hoay trong đổi mới giảng dạy. “Phương pháp dạy học theo tinh thần đổi mới đã có tập huấn nhưng cần bài bản và công phu hơn nữa”, ông Hùng kiến nghị.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc thay đổi cách dạy của Bộ chỉ mới dừng ở tuyên truyền là chính chứ chưa có quản lý. “Chúng ta rất cần sự chỉ đạo có giải pháp, có quản lý của Bộ về đổi mới phương pháp dạy và học”, ông Giang nói.

 Chưa tới 2% học sinh chọn ban xã hội

Trong năm học 2008 – 2009, chỉ có 1,92% học sinh lớp 10 chọn ban khoa học xã hội và nhân văn.

Không chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ, tỷ lệ học sinh theo ban khoa học xã hội và nhân văn còn liên tục giảm qua các năm. Cụ thể, trong năm đầu tiên triển khai phân ban, năm học 2006 – 2007, có 6,41% học sinh lớp 10 chọn ban này. Sang năm học 2007 – 2008, tỷ lệ học sinh lớp 10 chọn ban xã hội giảm xuống còn hơn 3% và tới năm học 2008 – 2009 chỉ còn 1,92%.

Tỷ lệ học sinh ít nhưng số học sinh ban xã hội còn “rụng” dần sau ba năm từ lớp 10 đến lớp 12. Trong số 6,41% học sinh lớp 10 vào ban này trong năm học 2006 – 2007 thì tới năm lớp 11, tỷ lệ này còn gần 4,8%, lên lớp 12 tiếp tục xuống 4,55%.

So với ban khoa học xã hội và nhân văn, tỷ lệ học sinh chọn ban khoa học tự nhiên cao hơn nhưng ban này cũng trong tình trạng “giảm dần đều” về số lượng học sinh.

Trước những con số này, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ đã lường trước được tỷ lệ trên. “Khi tổ chức phân ban, Bộ không đặt mục tiêu ban này bao nhiêu, ban kia bao nhiêu học sinh mà mục đích của Bộ là tạo các cơ hội khác nhau cho học sinh học tập, tạo điều kiện để các em có lựa chọn phù hợp với mục tiêu học tập của mình. Và sau ba năm đã cho thấy việc bố trí chương trình và sách giáo khoa đã đáp ứng được nhiều nguyện vọng khác nhau”.

 
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục