IMF: Các nền kinh tế phát triển cũng "suy nhược"

Trong bối cảnh "bão" tài chính đang hoành hành dữ dội, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo rằng hiện các nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng đang "suy nhược" và nếu hệ thống ngân hàng không ổn định, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ ngày một trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh "bão" tài chính đang hoành hành dữ dội, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo rằng hiện các nền kinh tế phát triển trên thế giới cũng đang "suy nhược" và nếu hệ thống ngân hàng không ổn định, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ ngày một trầm trọng hơn.

Mạng tin trực tuyến Bloomberg của nước này trích lời ông Kahn cho biết các gói kích cầu sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nếu lòng tin đối với hệ thống ngân hàng không được phục hồi. Do đó, các quốc gia trên thế giới cần nỗ lực tái thiết lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, IMF đã hạ dự đoán về tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2009 xuống còn 0,5% - mức thấp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, IMF dự báo nền kinh tế "siêu cường" Mỹ, cùng với Anh, sẽ rơi vào "tâm" khủng hoảng vì đến hết tháng 1/2009 Mỹ đã mất 3,57 triệu việc làm - con số lớn nhất trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời kì hậu chiến, do các công ty lớn nhỏ, từ Macy đến Caterpillar đều cắt giảm chi phí.

Đối phó với tình hình "khẩn cấp" trên, đầu tuần này, Thượng viện Mỹ sẽ phải bỏ phiếu cho gói kích thích kinh tế trị giá ít nhất 780 tỷ USD, con số mà theo Tổng thống Barack Obama là thiết yếu để giải nguy cho nền kinh tế nước này. Ngoài ra, một số nguồn tin liên quan cho biết hiện Chính quyền tân Tổng thống Obama đang xem xét khả năng tiếp tục cân nhắc và sát hạch các ngân hàng nhằm xác định rõ liệu họ có cần cứu trợ ngay lập tức hay không.

Trong khi đó, các nhà kinh tế Mỹ cho rằng trong tình hình hiện nay, rót tiền mặt trực tiếp vào thị trường và tái lập lĩnh vực ngân hàng sẽ tác động đến nhu cầu tiêu dùng hơn là lãi suất. Ngoài ra, chính phủ còn phải sẵn sàng cứu trợ "từ A đến Z" đồng thời hành động nhanh chóng trong việc bán hoặc thậm chí "khai tử" những khoản nợ không có khả năng chi trả.

Đối với khu vực châu Á, các quan chức IMF dự đoán khả năng bắt đầu phục hồi của khu vực này trong năm 2010 là rất "mơ hồ" do châu Á phải chờ nền kinh tế toàn cầu phục hồi rồi mới có thể tự cứu mình ra khỏi vũng lầy này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục