Đã có hơn 700 người tử vong vì cúm A/H1N1

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố ngày 21/7, kể từ khi bùng phát, đại dịch cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người trên thế giới.
Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 21/7, kể từ khi bùng phát cách đây 4 tháng, đại dịch cúm A/H1N1 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người trên thế giới. Con số này cao hơn 30% so với tổng số 429 ca tử vong mà WHO công bố ngày 6/7 vừa qua.

Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo hiện dịch cúm A/H1N1 là không thể ngăn chặn được và có thể trở thành đại dịch cúm với quy mô lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, theo WHO, trong đa số các trường hợp, diễn tiến bệnh thường không nghiêm trọng. Các bệnh nhân đều có thể phục hồi kể cả khi không cần điều trị y tế và thường chỉ bị ốm một tuần.

WHO cũng cho rằng với tốc độ lây lan hiện nay, việc ghi nhận hồ sơ từng vụ là vô ích, vì loại virus chết người này đã lây lan rộng trong cộng đồng. Trong các đợt trước, virus cúm thường mất hơn 6 tháng để lây lan, trong khi virus A/H1N1 đã lây lan trong vòng chưa đến 6 tuần.

Trong bối cảnh các nước đang phải đối mặt với dịch cúm A/H1N1 ở những mức độ khác nhau phụ thuộc vào từng thời điểm, WHO khuyến cáo các nước nên tự cân nhắc các biện pháp phòng tránh phù hợp với điều kiện cũng như tình hình.

Liên quan đến đại dịch cúm A/H1N1, báo cáo ngày 21/7 của Liên hợp quốc nêu rõ khả năng cúm A/H1N1 có thể tác động đến những nước bị đói nghèo và xung đột hoành hành, và gây ra một cuộc khủng hoảng "nghiêm trọng" mới ở những khu vực này.

Người phụ trách công tác nhân đạo của Liên hợp quốc John Holmes cho biết trong kế hoạch đưa ra nhằm đối phó với nguy cơ dịch cúm lây lan đến các vùng nghèo đói và xung đột, cơ quan này cũng đặc biệt chú trọng đến việc phòng tránh lây nhiễm cúm cho các nhân viên cứu trợ cũng như các nhóm người ở vào những hòan cảnh dễ bị lây nhiễm bệnh.

Ngày 21/7, khoa sản ở bệnh viện Bad Oldesoser Asklepios ở Đức đã phải đóng cửa do dịch cúm A/H1N1. Đây là bệnh viện thứ hai ở nước này có khoa sản phải ngừng hoạt động, sau bệnh viện ở Luebeck, do cả nhân viên lẫn các bà mẹ mang thai, thậm chí cả trẻ sơ sinh, bị đã nhiễm virus cúm A/H1N1.

Lãnh đạo hai bệnh viện trên cảnh báo virus cúm A/H1N1 đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai do nguy cơ sinh con dị dạng và đẻ non rất cao.

Theo các chuyên gia, đối với phụ nữ mang thai cũng như bệnh nhân ung thư, tiểu đường, HIV/AIDS, hen suyễn, béo phì hoặc suy dinh dưỡng do hệ miễn dịch yếu, cúm A/H1N1 trở nên đặc biệt nguy hiểm. Vì vậy, các đối tượng này phải hết sức cảnh giác không để nhiễm virus A/H1N1; cần tiêm vắcxin phòng cúm và khi đã nhiễm bệnh cần được ưu tiên điều trị.

Cũng theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai nên tránh nơi đông người, bởi đây là môi trường rất dễ lây nhiễm cúm./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục