Sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán châu Á

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều lên điểm trong phiên giao dịch ngày 1/9 trước sự lạc quan về kinh tế Trung Quốc.
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết lên điểm trong phiên giao dịch ngày 1/9, trong bối cảnh tâm lý giới đầu tư phấn chấn trước sự phục hồi của khu vực chế tạo của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của kinh tế Australia.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng 1,5%, trong đó dẫn đầu đà đi lên là các cổ phiếu liên quan tới khu vực hàng hóa trước sự lạc quan về kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ số MSCI của toàn châu Á vẫn giảm khoảng 2,5% kể từ đầu năm đến nay, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức giảm 6,6% của toàn thế giới.

Các thị trường chứng khoán châu Á phiên này không đi theo xu hướng "lập lờ" trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước, phản ánh niềm tin rằng đà phục hồi kinh tế của châu Á có thể được duy trì khá tốt so với kinh tế Mỹ, nơi đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kép.

Khu vực chế tạo của Trung Quốc đã lấy lại được phần nào động lực tăng trưởng trong tháng 8/2010 sau bốn tháng suy giảm liên tiếp, trong khi kinh tế Australia đã đạt mức tăng mạnh nhất trong ba năm trong quý 2/2010, nhờ chi tiêu của các hộ gia đình tăng cao hơn dự kiến, trong khi xuất khẩu cũng bùng nổ nhờ nhu cầu tăng mạnh tại châu Á.

Daniel Chan, nhà kinh tế trưởng và là chiến lược gia quản lý tài sản của công ty BWC Capital Markets ở Hongkong, nhận định thị trường hiện vẫn lo ngại về đà phục hồi toàn cầu, nhưng dựa trên những điều kiện cơ bản, một số quỹ đầu tư sẽ chuyển vốn từ các nước phát triển sang khu vực châu Á. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất ổn sẽ gia tăng trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu châu Á trước khả năng suy giảm của nền kinh tế thế giới.

Dẫn đầu đà tăng tại châu Á phiên này là thị trường chứng khoán Australia, với chỉ số SP/ASX 200 tăng 91,5 điểm, tương đương 2,08%; lên chốt phiên ở mức 4.495,7 điểm - mức tăng mạnh nhất trong hai tháng, sau khi có các số liệu cho thấy kinh tế nước này đã tăng 1,2% trong quý 2/2010.

Tại Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei-225 cũng tăng 102,96 điểm (1,17%) lên 8.927,02 điểm, khi thị trường bỏ qua các kế hoạch trị giá nhiều tỷ USD của Ngân hàng trung ương Nhật Bản nhằm kiềm chế đà tăng giá của đồng yen, cũng như gói giải cứu trị giá 11 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chao đảo.

Tuy nhiên, phiên giao dịch vẫn diễn ra khá thưa thớt, do giới đầu tư rút ra ngoài các hoạt động giao dịch khi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và ông Ichiro Ozawa đang bắt đầu bước vào chiến dịch vận động để chuẩn bị cho cuộc tranh cử diễn ra vào ngày 14/9 để quyết định nhà lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ Nhật Bản.

Trong khi đó, chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul tăng 21,94 điểm (1,26%) lên 1.764,69 điểm, nhờ cổ phiếu của các hãng chế tạo ôtô và bán lẻ, như Kia Motors và Lotte Shopping tăng mạnh, nhưng các cổ phiếu công nghệ chủ chốt vẫn tiếp tục sụt giá giữa những lo ngại dai dẳng về đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại thị trường chứng khoán Hongkong, giá các cổ phiếu cũng tăng 0,43% khi giới đầu tư hoan nghênh các số liệu cho thấy khu vực chế tạo của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên trong bốn tháng.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Thượng Hải phiên này lại giảm 0,6%, với chỉ số Shanghai Composite bị mất 15,92 điểm xuống mức 2.622,88 điểm vào cuối phiên, giữa những lo ngại gia tăng rằng làm phát tiếp tục tăng trong tháng 8/2010./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục