Cần thiết ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật

Cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật, các thành viên UBTVQH cho rằng ban hành nghị định này là cần thiết.
Tiếp tục phiên họp thứ 14, chiều 14/1, dưới dự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật và Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.

Tạo điều kiện cho hoạt động mỹ thuật phát triển

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật vì trên thực tế hiện nay, hệ thống văn bản quản lý hoạt động mỹ thuật còn phân tán, chưa rõ ràng, chủ yếu dưới hình thức quy chế nên hiệu lực pháp lý không cao.

Nhiều quy định còn thiếu hoặc chồng chéo, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mỹ thuật và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật và đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện cho hoạt động mỹ thuật phát triển đúng hướng.

Về sao chép tác phẩm mỹ thuật, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện tượng sao chép tác phẩm mỹ thuật đang có những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà chưa được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm quản lý chặt chẽ. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của các tác phẩm.

Đối với quy định về quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Do vậy, nội dung của quy định này cần gắn với trách nhiệm quy hoạch, quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các công trình xung quanh, phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương; có tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi; phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm quy định xin ý kiến của nhân dân bên cạnh việc lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trong việc quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất về các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động mỹ thuật, tạo điều kiện cho các nghệ sỹ, nghệ nhân phát huy được sức sáng tạo, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Giáo dục truyền thống, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm


Theo báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có khoảng hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương. Việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức, các địa phương từ trước đến nay đều do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác quyết định.

Theo thống kê hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư công nhận 9 ngày, Thủ tướng Chính phủ công nhận 54 ngày, những ngày còn lại là do các cấp có thẩm quyền khác công nhận như Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ trưởng các Bộ chủ quản và do lịch sử để lại.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam; cho rằng đây là việc làm cần thiết để tôn vinh, giáo dục truyền thống, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động này, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc.

Về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng phân cấp mạnh, giảm bớt quy định về thẩm quyền đối với Thủ tướng Chính phủ, tránh chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng các quy định tại dự thảo Nghị định cần bảo đảm gắn với nội dung tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh thanh kiểm tra, hướng dẫn, xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về tổ chức các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày kỷ niệm. Việc tổ chức ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng phải bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với các quy định khác.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Nghị định để trình Chính phủ sớm ban hành./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục