Thị trường biến động, cổ phiếu thưởng “chịu trận”

Trừ phi ban lãnh đạo sắp về hưu, không ai dại gì tăng vốn mà không có phương án sử dụng vốn hiệu quả để chịu áp lực về lợi nhuận.
Năm tài chính 2009 bước qua được 3/4 chặng đường, hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm tại đa phần các doanh nghiệp đại chúng niêm yết đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Cũng trong thời gian đó, thị trường chứng khoán có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. VN-Index tăng vọt từ đáy 235 điểm (24/02) lên đỉnh 624 điểm (22/10) mang lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cho giới đầu tư. Chứng khoán sôi động tạo ra những “hố đen” hút dòng tiền từ mọi nẻo trong xã hội.

Thực tế, với những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đã giúp các mã kinh doanh tốt có cơ hội tăng vốn điều lệ, bằng việc giữ lại nguồn vốn thặng dư thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng.

Tuy nhiên một vấn đề nảy sinh, thời điểm cuối tháng 10 thị trường chứng khoán bất ngờ đối mặt với những phiên tuột dốc “thê thảm”. Nhiều thành viên tham gia thị trường bắt đầu có những ý kiến cần phải cẩn trọng hơn khi đầu tư tại những mã có chia thưởng cổ phiếu.

Rủi ro với cố phiếu thưởng?

Theo thông cáo báo chí ngày 30/10, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VIFA) đã chỉ ra một số quan ngại về các trường hợp chia lãi bằng cổ tức có vấn đề. Như trường hợp trước đó doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong kinh doanh nhưng vẫn tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia tách để nhằm đẩy giá cổ phiếu lên, phục vụ lợi ích cho cổ đông nội bộ hoặc sau khi tăng vốn điều lệ thì lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi, thậm chí thua lỗ nặng...

Hay, sau thời gian làm các động tác chia tách, lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng giảm, khiến cho tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ mới rất thấp. Tỷ lệ chia tách quá lớn không phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng của lợi nhuận trong tương lai....

Mặc dù đồng tình với quan điểm của VAFI, song Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Khối phân tích và đầu tư Công ty Chứng khoán Thăng Long) cũng nhấn mạnh, không nên có cái nhìn phiến diện về hoạt động chia thưởng bằng cổ phiếu.

"Không loại trừ những trường hợp lợi dụng thị trường tăng trưởng mạnh đã sử dụng hình thức chia thưởng này đẩy giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cần phải công bằng và toàn diện hơn, với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tốc độ tăng trưởng nhanh thì họ rất cần vốn đối ứng. Việc gia tăng sức mạnh tài chính tại các đơn vị này là hợp lý và chính đáng." - ông Nghĩa nói.
 
Cũng theo ông Nghĩa, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện chia thưởng cổ phiếu là các công ty có hoạt động kinh doanh tốt. Để đưa ra quyết định giữ lại khoản thặng dư vốn tương đối lớn tiếp tục phát triển thì bản thân doanh nghiệp đã có kế hoạch sử dụng hết số vốn này, thậm chí còn cần nhiều hơn thế với trách nhiệm đảm bảo lợi nhuận sau đó không pha loãng.

Ngoài ra trừ trường hợp ban lãnh đạo sắp về hưu, không ai dại gì tăng vốn mà không có phương án sử dụng vốn hiệu quả để chịu áp lực về lợi nhuận.

Bài toán là năng lực quản trị

Với tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, câu chuyện này chỉ xoay quanh vấn đề lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông. Về nguyên tắc, chia cổ phiếu thưởng có ý nghĩa duy trì sự gắn bó lâu dài và niềm tin của cổ đông với doanh nghiệp. Bài toán đặt ra ở đây là năng lực quản trị của các đơn vị này như thế nào? Có đảm bảo thuyết phục cổ đông gắn bó trung và dài hạn hay không?

Tuy nhiên dưới góc độ cá nhân, việc các nhà đầu tư tìm hiểu về năng lực quản trị của một công ty là rất khó, nhất là trong điều kiện minh bạch hóa thông tin giữa các công ty đại chúng và cổ đông vẫn còn là vấn đề nan giải.

Ông Nghĩa cho rằng, cách nhận biết cơ bản mà nhà đầu tư có thể tiếp cận là tìm hiểu lợi nhuận, doanh thu tăng trưởng và chính sách chia cổ tức tốt phải được thực hiện đều đặn qua các năm. Chính sách lương thưởng, phúc lợi xã hội cho người lao động cũng là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện năng lực quản trị của doanh nghiệp. Cùng với đó, ban lãnh đạo công ty cũng phải nắm giữ số lượng cổ phiếu tương đối của đơn vị mình, ít nhất là trên 10%.

Ngoài ra Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cũng cho biết, hàng năm, sau khi có lợi nhuận kinh doanh, việc doanh nghiệp chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có ý nghĩa tăng vốn điều lệ cho những mục tiêu trung và ngắn hạn. Những quyết định như vậy đều phải xin phép đơn vị quản lý thị trường chứng khoán hay người chủ sở hữu...

Như một số trường hợp doanh nghiệp lớn nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, là những đơn vị kinh doanh hiệu quả nhưng do biến động khách quan của thị trường, giá phát hành tại thời điểm trước đang cao gần gấp đôi giá trị cổ phiếu tại thời điểm này. Vì vậy, những đơn vị tham gia đối tác chiến lược đã đặt vấn đề cho bán theo hình thức phát hành 1:1, nhưng để đảm bảo quyền lợi quốc gia chính phủ đã không chấp thuận.

“Các doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là vừa và nhỏ. Do đó, quy mô vốn là rất nhỏ so với các doanh nghiệp trong khu vực. Chúng ta không thể cạnh tranh nếu không tăng vốn điều lệ để mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đầu tư theo chiều sâu. Việc chia cổ phiếu thưởng là điều nên làm khi các doanh nghiệp này có tốc độ phát triển nhanh, có dự án kinh doanh tốt cần vốn điều lệ lớn hơn.” - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục