Giá vật liệu xây dựng: Thép giảm, xi măng... tăng

Thép xây dựng trong nửa tháng 10 các doanh nghiệp phải giảm giá 2 lần; các mặt hàng khác như ximăng, gạch, đá, cát, sỏi giá tăng nhẹ.
Quý 4 thường là cao điểm của mùa xây dựng, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng cao. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế cùng với diễn biến bất thường của thời tiết nên các mặt hàng này tiêu thụ cầm chừng.

Tuy nhiên, đối với mặt hàng thép xây dựng, do phải cạnh tranh với thép ngoại nên trong nửa đầu tháng 10 các doanh nghiệp trong nước đã phải giảm giá tới 2 lần; các mặt hàng khác như ximăng, gạch, đá, cát, sỏi giá tăng nhẹ so với cách đây vài tháng.

Nửa tháng, thép xây dựng giảm giá 2 lần

Do chính sách kích cầu của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép tăng mạnh nên từ đầu năm đến hết tháng 9/2009, giá bán thép xây dựng trên thị trường luôn biến động, các doanh nghiệp trong nước đã tăng giá tới 9 lần.

Tuy nhiên, bước sang tháng 10, tháng được xem là cao điểm của mùa xây dựng, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã 2 lần giảm giá bán, với tổng mức giảm khoảng 400.000 đồng/tấn. Đây có thể xem là một “điều lạ” đối với ngành thép đang phát triển rất thuận lợi nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ.

Việc VNSteel có lợi thế tự túc được phần lớn phôi thép sản xuất trong nước nên đã giảm giá bán khiến cho các doanh nghiệp khác cũng đồng loạt giảm giá theo giữa cao điểm mùa xây dựng.

Hiện giá bán thép tại nhà máy chưa trừ chiết khấu, chưa có thuế giá trị gia tăng dao động ở mức 11,4 triệu đến 11,6 triệu đồng/tấn ở khu vực phía Bắc và từ 11,5 triệu đến 11,7 triệu đồng/tấn đối với khu vực phía Nam.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, việc doanh nghiệp trong nước bất ngờ giảm giá bán đúng mùa cao điểm là do sức ép từ thép cuộn nhập khẩu những tháng gần đây tăng mạnh, khoảng 40.000 tấn/tháng, giá bán lại rẻ hơn từ 300.000 đến 900.000 đồng/tấn (tùy loại) so với thép sản xuất trong nước khiến doanh nghiệp trong nước phải giảm giá để giữ thị phần.

Ở thời điểm này, thị phần thép xây dựng Việt Nam đã có sự thay đổi khác biệt. Nếu như năm 2008 thép nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc chiếm 64,5% thị phần tổng lượng thép nhập khẩu ở Việt Nam, trong khi lượng thép của các nước ASEAN chỉ chiếm 11,7%, thì từ tháng 9/2009 đến nay thị phần của thép ASEAN đã tăng lên 74% tổng lượng thép được nhập về, còn thép Trung Quốc chỉ chiếm 1,7%.

Hiệp hội cũng cho rằng thép ngoại có nguồn gốc ASEAN ngày càng được nhập về nhiều do Việt Nam đã cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do AFTA, hàng hóa của các nước trong khối đều phải tuân thủ nguyên tắc miễn giảm thuế quan để hội nhập.

Chính vì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam chưa cao nên thép Việt không những không xuất khẩu được sang các nước có cùng ưu đãi thuế quan trong ASEAN mà lại chịu sức ép giảm giá ngay trên sân nhà.

Trước việc thép ngoại ngày càng tràn về nhiều, việc quyết định giảm giá bán đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu không giảm sẽ không giữ được khách hàng và có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà”.

Còn theo đại diện của công ty Gang thép Thái Nguyên, đây là lần đầu tiên công ty phải giảm giá bán đối với chủng loại thép xây dựng sau nhiều đợt tăng giá bán. Việc giảm giá này nhằm kích cầu thị trường do trong tháng 9 vừa qua lượng tiêu thụ bị chững lại.

Vật liệu khác tăng giá

Cùng với mặt hàng trọng yếu là thép xây dựng, mặt hàng ximăng trên thị trường cũng tiêu thụ khá nhờ gói kích cầu của Chính phủ cùng với việc sửa chữa, xây mới những công trình nhà ở của người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, cùng với sức tiêu thụ hàng hóa mạnh thì cũng là lúc các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ tăng giá theo.

Hiện giá bán ximăng tại các nhà máy phổ biến ở mức ximăng PCB30 từ 820.000 đến 859.000 đồng/tấn; ximăng PCB40 từ 830.550 đến 1.240.000 đồng/tấn (đã có VAT). Giá bán lẻ ximăng trên thị trường phổ biến ở mức 860.000 đến 1,05 triệu đồng/tấn ở các tỉnh phía Bắc và từ 1,04 triệu đến 1,36 triệu đồng/tấn ở các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Kiên, chủ doanh nghiệp tư nhân về xây dựng ở Hà Nội, mặc dù nằm trong danh mục các mặt hàng bình ổn giá song giá ximăng trên thị trường vẫn tăng từ 50.000 đến 115.000 đồng/tấn (tùy loại) so với giá của đại lý cấp một. Mức tăng này tuy chưa tạo cơn sốt nhưng cũng gây lo lắng cho nhà đầu tư xây dựng và cả người dân.

Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, tồn kho ximăng đến cuối quý III còn khoảng 0,48 triệu tấn, nguồn cung không thiếu nên không có chuyện tăng giá. Còn các cửa hàng, đại lý lại lý giải rằng, việc tăng giá này nhằm bù đắp vào chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu vừa qua.

Từ cuối tháng 9/2009, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam được phép tăng giá bán than cho các khách hàng trong nước, trong đó bán cho ngành ximăng tăng tới 25% và còn có thể tăng thêm 10% trong tháng 10 này, nhưng đến thời điểm này Tổng công ty ximăng Việt Nam, nhà sản xuất ximăng lớn nhất Việt Nam vẫn chưa có quyết định nào về việc tăng giá bán.

Theo Tổng Công ty ximăng Việt Nam, khả năng điều chỉnh giá theo hướng tăng lên sẽ khó xảy ra do nguồn cung ximăng ở trong nước hiện đã vượt nhu cầu tiêu thụ đến 3 triệu tấn và có thể tăng lên 5 triệu tấn vào cuối năm.

Đối với một số vật liệu xây dựng cơ bản khác như gạch, đá, cát, sỏi nguồn cung vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nhưng giá bán tăng từ 5% đến 20% so với vài tháng trước do phải bù đắp vào chi phí xăng dầu vận chuyển và khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục