Quốc hội giám sát việc phát triển cảng Chân Mây

Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội vừa kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch phát triển cảng Chân Mây.
Ngày 23/8, Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển cảng Chân Mây.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Lê Trường Lưu đề nghị đoàn giám sát có ý kiến với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện để tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xây dựng bến số 2 và các bến tiếp theo tại cảng Chân Mây; đồng thời hỗ trợ đưa vào danh mục dự án đầu tư để kêu gọi vốn ODA giai đoạn 2011-2013, cũng như vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây.

Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm, bố trí vốn ngân sách Trung ương để đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại phục vụ công tác vận tải hàng hóa thông qua cảng như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ La Sơn đến hầm Hải Vân, xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng, Phú Gia; xây dựng hệ thống đường ven biển, đường trục chính cảng Chân Mây.

Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh đánh giá cao những nỗ lực trong phát triển cảng Chân Mây của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các khu kinh tế biển trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là cảng biển và chia sẽ những khó khăn của tỉnh trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển cảng Chân Mây và khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.

Ông Lê Bộ Lĩnh ghi nhận những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên-Huế về đầu tư phát triển cảng Chân Mây và sẽ có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này

Theo quy hoạch, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009, Chân Mây là cảng tổng hợp, container, có bến chuyên dùng phục vụ khách du lịch quốc tế; là đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đây là đô thị cảng kết nối với khu đô thị Chân Mây-Lăng Cô và khu vực, có các chức năng dịch vụ, du lịch, giáo dục, trung tâm hội nghị quốc tế, giải trí, thể dục thể thao.

Tổng diện tích quy hoạch của Chân Mây là 668,53ha, trong đó phần đất liền 442,19ha, phần mặt nước 226,34ha. Trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT. Số lượng bến, giai đoạn đến năm 2020 là 6 bến, tổng chiều dài bến là 1.680m; giai đoạn đến năm 2030 là 8 bến, tổng chiều dài bến là 2.280m; ngoài ra có 02 bến chuyên ngành là bến du lịch, bến xăng dầu. Chiều sâu bến từ -12m đến -14m. Lượng hàng qua cảng, năm 2015 là 4.000.000 triệu tấn/năm; đến năm 2020 là 7.000.000 triệu tấn/năm; đến năm 2030 là 10.000.000 triệu tấn/năm.

Cảng Chân Mây được xây dựng (Bến số 1) và đưa vào hoạt động từ 19/5/2003. Hiện nay, cảng có khả năng đón tàu có trọng tải 30.000DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; bến chuyên dùng cho tàu có trọng tải 20.000DWT để xếp dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng; thiết bị cẩu bờ di động Gottwald làm hàng đa năng như container, hàng siêu trường, siêu trọng, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời như than cám, cát silic, titan, clinker,...với năng suất cao, có thể đạt 10.000 T/24 giờ.

Theo Quyết định số 1541/QĐ-TTg ngày 14/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ, cảng Chân Mây được chuyển giao từ tỉnh Thừa Thiên Huế sang Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sau khi tiếp nhận Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Chân Mây.

Từ khi được thành lập đến nay, tổng doanh thu của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Chân Mây đạt 152,6 tỷ đồng, tổng sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, tổ chức tiếp nhận và bốc xếp hơn 684 chuyến tàu; tổng số lao động hiện tại hơn 250 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng. Trong năm 2010, tổng doanh thu đạt 52,9 tỷ đồng, tổng sản lượng hàng hóa xếp dỡ đạt 1,47 triệu tấn; tổ chức tiếp nhận và xếp dỡ 274 lượt tàu; trong đó, có 90 lượt tàu nước ngoài và 184 lượt tàu trong nước, tăng 42 lượt so với cùng kỳ năm 2009 (năm 2009 đón 232 lượt); khách du lịch và thủy thủ đi bờ: 25.238 lượt khách tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2009. Nộp ngân sách nhà nước 2 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu đạt 69% so với kế hoạch năm 2011 (34,6 tỷ đồng/50 tỷ đồng) và tăng 48% so với cùng kỳ năm 2010; nộp ngân sách 1,16 tỷ đồng; tiếp đón 106 chuyến tàu qua cảng (65 tàu ngoại, 41 tàu nội, trong đó có 15 tàu khách), 14.924 lượt khách.

Hiện nay, cảng Chân Mây đã tiếp nhận 1,4 triệu tấn hàng hóa/năm, khoảng 50.000 khách du lịch quốc tế/năm, nhu cầu hàng hóa vận chuyển là rất lớn nhưng bến số 1 đã quá tải, việc xây dựng bến số 2 là cần thiết./.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục