Chỉ số Dow Jones lần đầu vượt mốc 10.000 điểm

Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 10.000 điểm được coi là dấu hiệu rõ rệt nhất phản ánh độ tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch 14/10 tại Mỹ, Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 điểm (đạt 10.015,86 điểm) kể từ tháng 10/2008.

Cảm giác chung trên thị trường dường như là tâm trạng nhẹ lòng, thở phào. Liệu sự hồi phục của chỉ số Dow Jones có phải là dấu hiệu chắc chắn cho thấy nền kinh tế Mỹ nói chung và nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục hay đó chỉ là một phản ứng tích cực nhất thời và sẽ nổ như bong bóng?

Xung quanh ngưỡng 10.000 điểm

Sự kiện Dow Jones - phong vũ biểu quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán quay trở lại ngưỡng điểm 5 con số được coi là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất phản ánh sự tin tưởng của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế đang hồi phục sau đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

Chỉ số này đã tăng 53% kể từ đầu tháng 3/2008 - thời điểm chứng khoán ở mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Nhà phân tích thị trường Arthur March thuộc Công ty Jefferies & Co. (Mỹ) ví von: "Sự kiện này gần giống như một thông báo rằng thời kỳ thị trường giảm sút đã qua. Nó khiến cho mọi người bừng tỉnh và tin rằng mọi thứ phải trở nên tốt đẹp hơn vì chỉ số Dow Jones đã trên 10.000 điểm".

Chuyên gia Ethan Harris thuộc Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch miêu tả đợt tăng điểm này là dấu hiệu cho thấy "thế giới sẽ không đi đến đường cùng".

Lực đẩy trực tiếp cho chỉ số này nói chung và các chỉ số chứng khoán chủ chốt toàn cầu nói riêng chính là những bản báo cáo lợi nhuận đầy khích lệ từ tập đoàn sản xuất chíp điện tử Intel và tập đoàn tài chính JPMorgan Chase.

Theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước, hàng loạt các thị trường khác trên thế giới ngày 15/10 cũng tăng điểm theo. Chỉ số MSCI (chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương, không kể Nhật Bản) lên gần mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2008 - thời điểm ngay sau khi Lehman Brothers sụp đổ.

Chứng khoán châu Âu ngày 15/10 cũng ở mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 2,1% so với phiên trước, tăng 23% so với đầu năm 2009 và 58% kể từ mức thấp kỷ lục hồi đầu tháng 3/2008.

Các chỉ số chứng khoán tăng điểm cho thấy các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với giai đoạn đầu hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Ông Bill Achtmeyer, Chủ tịch công ty tư vấn chiến lược Parthenon Group (Mỹ), cho rằng có những yếu tố cho thấy kinh tế hồi phục và sẽ tăng từ từ nhưng vững chắc.

Một nhà kinh tế khác, ông John Silvia thuộc Wells Fargo Securities (Mỹ), nhận định: "Chúng ta đang trong giai đoạn hồi phục kinh tế. Chứng khoán đang tăng, điều đó có nghĩa là kinh tế đang hồi phục và lợi nhuận công ty sẽ tăng mạnh hơn trong một hoặc hai năm tới".

Nếu chỉ số Dow Jones trong mấy ngày tới vẫn ở mức trên 10.000 điểm, sự ngờ vực của người dân Mỹ về quá trình hồi phục kinh tế sẽ nhạt dần. Không chỉ có chứng khoán, dầu thô, khí đốt, nhiều nguyên liệu đầu vào như các kim loại cơ bản (đồng, nhôm...), cao su, bông... cũng tăng giá trước các dự báo sức cầu sẽ tăng do kinh tế thế giới phục hồi.

Thận trọng và cảnh giác

Bất chấp tâm trạng hưng phấn đang tràn ngập các thị trường chứng khoán thế giới, một câu hỏi thận trọng vẫn được đặt ra: Vậy từ thời điểm này, thị trường sẽ đi đến đâu?

Một số nhà quan sát thị trường xem ngưỡng 10.000 điểm của Dow Jones là một ảo giác vì vẫn có những mối đe dọa lửng lơ đối với sự phục hồi kinh tế như tình trạng thất nghiệp gia tăng, chi tiêu tiêu dùng yếu kém và thị trường nhà đất phập phù. Mặt khác, các nhà phân tích Phố Wall cho rằng 10.000 không chỉ là một con số, nó còn ẩn chứa yếu tố tâm lý trong đó. Thị trường chứng khoán hồi phục xoa dịu tâm lý nhà đầu tư khi lợi nhuận đang lớn dần lên với các danh mục đầu tư của họ.

Chuyên gia Carl Beck thuộc tập đoàn tài chính Harris cho rằng tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư và không nên coi nhẹ yếu tố này khi đang gắng sức vượt qua giai đoạn kinh hoàng như đã chứng kiến trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, khi thị trường đang tăng ngoạn mục, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, lo ngại rằng họ sẽ bỏ tiền vào thị trường chỉ để nhìn tiền của mình biến mất khi chứng khoán lại sụt giảm. Họ lo ngại tình hình thị trường hiện nay cũng giống như năm 1975 - thời điểm chứng khoán tăng 53% trong vòng chưa đầy 4 tháng sau khủng hoảng, rồi mất 11% trước khi tăng trở lại vào năm 1976. Bên cạnh đó, vẫn còn vô số vấn đề có thể ảnh hưởng tới thị trường.

Các công ty công bố lợi nhuận tốt hơn dự báo, nhưng phần lớn lợi nhuận là nhờ cắt giảm chi phí chứ không phải nhờ tăng doanh số bán hàng. Nhận định này được ông David Rosenberg, nhà kinh tế chiến lược thuộc Công ty Gluskin Sheff, chia sẻ. Ông nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều biết rằng quá trình này không bền vững".

Sau khi Intel và JP Morgan Chase công bố lợi nhuận, cổ phiếu ngành tài chính đã tăng giá nhiều nhất nhưng theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu này cũng thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kinh tế thế giới vẫn đang vật lộn với cuộc suy thoái trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã gần 10% và sẽ còn tăng.

Ông Al Goldman, chiến lược gia thị trường thuộc Wells Fargo Advisors, nhận định: "Nền kinh tế Mỹ đang khá hơn nhưng vẫn còn rất mong manh". Ông và một số chuyên gia khác cho rằng thị trường có thể cần phải có sự điều chỉnh để hạ cơn sốt và báo cáo lợi nhuận trong quý III của các công ty có thể chỉ hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn. Ông dự báo: "Mức điều chỉnh bình thường khoảng 10% sẽ làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư nhưng sẽ tốt cho thị trường chứng khoán".

Ông Jerome Dodson, quản lý quỹ Parnassus ở San Francisco (Mỹ), cũng cho rằng mức tăng trên thị trường chứng khoán hiện nay chỉ tạm thời kích thích niềm tin của giới đầu tư mà sẽ không kéo dài.

Như để phụ họa cho các nhận định thận trọng trên, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ (Dow Jones, Nasdaq và S&P 500) lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 15/10 đã đồng loạt giảm điểm chút ít (chưa tới 0,5%), trong đó chỉ số Dow Jones lại tụt xuống dưới mốc 10.000 điểm. Đây cũng là hiện tượng bình thường sau mỗi phiên tăng giá mạnh do nhiều nhà đầu tư bán chứng khoán ra chốt lời.

Dù sao, các nhà phân tích và giới kinh doanh đều hy vọng hiện nay là thời điểm kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung bắt đầu hồi phục./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục