Chứng khoán phương Tây và châu Á trái chiều

Ở phiên giao dịch đầu tuần này, trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng nhau lên điểm thì thị trường châu Á lại giảm điểm.
Chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng nhau lên điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này, nhờ những số liệu tích cực về hoạt động sản xuất và xây dựng của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Á không đi theo đà này trong phiên 3/11, do giới đầu tư còn chờ đợi thông báo về chính sách tài chính-tiền tệ của một số ngân hàng trung ương trong tuần.

Chứng khoán Phố Wall "xanh sàn" dù trong phiên giao dịch khá ngập ngừng ngày 2/11, sau khi hãng sản xuất ôtô Ford Motor Co. của Mỹ công bố lợi nhuận đáng ngạc nhiên trong quý III và điều này góp phần giúp chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 76,71 điểm (0,79%) lên 9.789,44 điểm lúc kết thúc phiên.

Trong phiên này, hoạt động giao dịch diễn ra thưa thớt và các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall bấp bênh giữa lên và xuống, trước khi kết thúc phiên với mức tăng gần 80 điểm. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch London cũng tăng 1,19% lên 5.104,50 điểm.

Chuyển sang phiên 3/11 trên thị trường chứng khoán châu Á, rất nhiều thị trường giảm điểm trong khi thị trường hàng đầu khu vực là Tokyo đóng cửa nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 3/11 tại Hongkong, việc lòng tin của các nhà đầu tư vẫn còn yếu bất chấp đà lên điểm đêm trước của thị trường Phố Wall là nguyên nhân khiến chỉ số Hang Seng giảm tới 380,13 điểm xuống 21.240,06 điểm.

Một số thị trường khác ở châu Á cũng giảm điểm do lo ngại kinh tế Mỹ hồi phục sẽ khiến chính phủ nước này ngừng gói kích thích kinh tế. Cuối phiên này, chỉ số Kospi tại Seoul giảm 9,17 điểm xuống 1.549,92 điểm và chỉ số Weighted tại Đài Bắc cũng giảm 12,25 điểm xuống 7.322,93 điểm.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) gần như là thị trường lớn duy nhất ở châu Á lên điểm trong phiên 3/11, với mức tăng 1,2%, nhờ số liệu kinh tế trong nước khả quan và lợi nhuận vững của doanh nghiệp giúp hỗ trợ lòng tin của các nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục