Đà lên giá của USD so với đồng yen đã bị chặn lại

Đà lên giá của đồng USD so với đồng yen đã bị chặn lại, sau khi giới đầu tư tỏ ra lo ngại trước việc FED ngừng các gói QE.
Trong phiên giao dịch ngày 14/5 tại thị trường châu Á, đà lên giá của đồng USD so với đồng yên đã bị chặn lại, sau khi giới đầu tư tỏ ra lo ngại trước những tín hiệu mới đây cho thấy nhiều khả năng Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ rút lại chương trình thu mua trái phiếu giá trị lớn trong thời gian tới.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 101,54 yen/USD, giảm so với mức 101,82 yen/USD vào cuối phiên hôm trước (13/5) tại New York. Tuy nhiên, tỷ giá hiện tại vẫn cao hơn mức 99 yen/USD ghi nhận cách đây một tuần.

Đồng bạc xanh đã vọt lên ngưỡng 102 yen/USD trong phiên giao dịch ngày 13/5 tại thị trường châu Á. Tuy nhiên, những đồn đoán về nguy cơ FED sẽ trở thành thể chế tài chính đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới quyết định rút lại các chính sách nới lỏng tiền tệ, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa xuất hiện một số tín hiệu đầy lạc quan, đã tạo áp lực giảm giá đối với đồng USD.

Trong khi đó, đồng euro lại bật tăng so với cả đồng USD và đồng yen của Nhật Bản, sau khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) vừa kết thúc hồi cuối tuần trước với cam kết sẽ không hạ giá đồng tiền chung châu Âu, song cũng không trực tiếp chỉ trích Nhật Bản về sự rớt giá liên tiếp của đồng yên, do các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Đóng cửa phiên này, đồng euro giao dịch ở mức 1,3014 USD đổi 1 euro và 132,16 yên đổi 1 euro, tăng so với các mức tương ứng 1,2975 USD đổi 1 euro và 132,11 yên đổi 1 euro của phiên trước đó. hiện giới đầu tư đang chờ đợi các số liệu về hoạt động kinh doanh của Đức- nền kinh tế lớn nhất châu Âu, để tìm định hướng đầu tư và củng cố thêm niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.

Cũng trong phiên giao dịch 14/5 này, đồng bạc xanh đều giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đồng won của Hàn Quốc, SGD của Singapore, baht của Thái Lan, Đài tệ của Đài Loan và đồng rupiah của Indonesia. Tuy nhiên, đồng USD lại đi lên so với đồng peso của Philippines./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục