Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn trì trệ trên toàn cầu

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn trì trệ trong 2010.
Ngày 18/10, trong nghiên cứu "Giám sát các xu hướng đầu tư toàn cầu" (GITM) quý 4/2010, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vẫn trì trệ trong năm 2010.

UNCTAD nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đã xuất hiện những nguy cơ mới như chiến tranh tiền tệ, xu hướng bảo hộ mậu dịch... và các nguy cơ này đã tác động nghiêm trọng và trực tiếp đến FDI.

Vì vậy, mặc dù nguồn lợi nhuận tăng ở các chi nhánh nước ngoài, nhưng dòng vốn tái đầu tư của các công ty đa quốc gia vẫn giảm trong quý II/2010.

Các công ty đa quốc gia có xu hướng rút lợi nhuận từ nước ngoài để củng cố vị thế tài chính trong nước do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền lan rộng khắp khu vực đồng euro. Thực trạng này khiến dòng vốn FDI đầu tư cho khu vực châu Âu và từ châu lục này ra các khu vực khác đều giảm, kể cả đến thị trường đầu tư Mỹ.

FDI toàn cầu trong quý 2/2010 giảm 25% so với quý trước đó và giảm 17% so với cùng kỳ năm 2009 sau bốn quý nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, khiến chỉ số FDI toàn cầu giảm từ 113 trong quý 1 xuống còn 85 trong quý 2.

Các nhà kinh tế của UNCTAD nhận định dòng FDI giảm mạnh trong quý 2/2010 cũng phản ánh sự mong manh của dòng đầu tư này. Đầu tư xanh, mô hình đầu tư FDI mới, tuy tăng cả về số lượng và giá trị trong quý này nhưng lại giảm mạnh về giá trị trong quý 3/2010. So với năm 2009, tổng FDI đầu tư xanh năm 2010 hầu như không thay đổi.

Báo cáo đầu tư thế giới năm 2010 của UNCTAD dự báo trong năm nay, dòng FDI ổn định chủ yếu nhờ giá trị mua và sáp nhập công ty tăng. Tái đầu tư từ nguồn lợi nhuận của các công ty đa quốc gia vẫn giảm ngay cả khi lợi nhuận tăng. Điều này cho thấy hệ thống tài chính thế giới vẫn phải chật vật để ổn định và các công ty đa quốc gia vẫn buộc phải tiếp tục củng cố vị thế tài chính bằng mọi cách.

UNCTAD nhấn mạnh cộng đồng quốc tế vẫn cần nỗ lực cải thiện thị trường tín dụng toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn ở các nền kinh tế đang phát triển. Dòng FDI toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi trở lại thời kỳ trước khủng hoảng cho đến khi các nỗ lực này thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục