Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại

Sản xuất công nghiệp tháng 7 có xu hướng tăng trưởng chậm lại, do nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến gặp khó trong tiêu thụ.
Theo Vụ Công nghiệp Xây dựng, Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng Bảy có xu hướng tăng trưởng chậm lại và thấp hơn mức tăng chung của 7 tháng.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp chế biến trong tháng Bảy gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, dẫn đến tỷ lệ tồn kho cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2010 theo giá so sánh ước tính tăng 12,3% so với cùng kỳ 2009, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 6,3%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8.

Tính chung 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh của cả nước ước tính đạt 383.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 8,9%, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 12,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17%.

Điều đáng chú ý là sản xuất công nghiệp tháng Bảy chỉ đạt tốc độ tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,2% so với tốc độ tăng bình quân 7 tháng (13,5%). Nhiều sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp chế biến sản xuất tháng Bảy có chiều hướng tăng trưởng chậm lại hoặc giảm, chủ yếu do khó khăn trong khâu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, dẫn đến tỷ lệ tồn kho cao.

Một số lĩnh vực sản xuất có chỉ số tồn kho vào thời điểm 1/7/2010 cao so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng từ hơn 36% đến xấp xỉ 70%, đó là sản xuất phân bón và hợp chất nitơ; sản xuất giường tủ, bàn ghế; sản xuất bột giấy, giấy và bìa; sản xuất sắt thép; sản xuất bia; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất thức ăn gia súc; xay sát, sản xuất bột thô.

Đặc biệt, cũng trong cùng mốc thời gian so sánh, chỉ số tồn kho của sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất ximăng tăng 152%; sản xuất ôtô, xe máy tăng hơn 100%; sản xuất đồ uống không cồn tăng hơn 364%.

Những sản phẩm công nghiệp quan trọng giữ được tốc độ tăng trưởng sản xuất 7 tháng qua so với cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành gồm khí đốt thiên nhiên; khí hóa lỏng; thủy hải sản chế biến; sữa bột; bia; quần áo may sẵn dành cho người lớn; giày thể thao; lốp ôtô máy kéo; kính thủy tinh; gạch xây; xi măng; tủ lạnh, tủ đá; ôtô các loại; điện sản xuất; nước sạch thương phẩm.

Sản xuất công nghiệp tháng Bảy có xu hướng tăng trưởng chậm lại và thấp hơn mức tăng chung 7 tháng của toàn ngành còn được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp có xu hướng giảm so với tháng Sáu.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp thời điểm 1/7 so với cùng kỳ tháng trước giảm 0,1%, trong đó, giảm mạnh nhất là khu vực các doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,7%; trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước là ổn định, khu vực FDI tăng nhẹ ở mức 1%.

Ngành công nghiệp chế biến (hiện chiếm xấp xỷ 89% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) giảm 0,1% lao động so với tháng trước, ngành sản xuất điện, ga và nước giảm sâu nhất với 1,1% và chỉ có ngành khai thác tăng nhẹ với 0,1%.

Tuy nhiên, lao động công nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tháng Bảy lại có xu hướng tăng nhẹ so với đầu tháng 6/2010 với 1%. Ngoại trừ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn ổn định về tình hình sử dụng lao động, hai khu vực còn lại đều tăng nhẹ, với khu vực ngoài nhà nước tăng 0,6% và tăng cao nhất là khu vực FDI với 1,2%.

Trong khu công nghiệp, cả ba ngành công nghiệp cấp I đều tăng lao động, cụ thể ngành khai thác tăng 0,6%; ngành chế biến, chế tạo tăng cao nhất với 1% và ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước tăng nhẹ với 0,1%./.

Nguyễn Huyền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục