Sỹ tử hối hả “dời đô” làm nhiều tuyến đường ùn tắc

Kết thúc thi đại học, sỹ tử và phụ huynh chen chân "dời đô" đã làm nhiều tuyến đường trước cổng trường và bến xe ùn tắc cục bộ.
Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi đại học đợt 1 đầu tiên, hàng nghìn sỹ tử và phụ huynh đã nhanh chóng bắt xe “dời đô." Nhiều tuyến đường ở ngay trước cổng trường thi và bến xe đã ùn ứ cục bộ do lưu lượng giao thông tăng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn.

Các xe khách và xe buýt đã phải gồng mình “cõng” khách. Hầu hết trên xe, dòng người đứng chen chân nhau.

Chen chân “dời kinh”

Kết thúc môn thi Hóa học, tại nhiều địa điểm thi, dòng người đông nghịt ùn ùn đổ xô ra khiến hàng loạt các tuyến đường rơi vào tình cảnh ùn tắc cục bộ.

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, trục đường Nguyễn Trãi-Trường Chinh, Phạm Hùng–Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy-Cầu Giấy, Giải Phóng… lượng người tham gia giao thông tăng cùng thời điểm đã khiến hàng nghìn phương tiện và người điều khiển xe lâm vào cảnh tắc đường.

Hầu hết, hệ thống chỉ dẫn giao thông (đèn đỏ) có cũng như không, mặc dù cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại đây đã rất cố gắng để phân luồng và chống ùn tắc nhưng các phương tiện đua nhau, mạnh ai nấy đi khiến giao thông khá hỗn loạn, dưới lòng đường, người thân và sĩ tử đứng tràn ra làm cho việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Ở các tuyến phố có địa điểm thi đại học, các phương tiện phải chen chân, nhích từng bước, còi xe inh ỏi khiến cho cả tuyến đường náo loạn.

Đỗ xe vào quán nước ven đường Xuân Thủy, anh Trịnh Anh Tuấn (Phú Thọ) ngao ngán nhìn dòng người chôn chân dưới lòng đường.

Thở dài sau một thời gian mệt mỏi ngồi đợi con ở cổng trường, anh Tuấn kể, hai bố con anh đã chuẩn bị gói ghém đồ đạc từ tối hôm qua để sau khi thi xong môn cuối sẽ “hồi hương” nhằm đỡ tốn kém tiền chi tiêu.

Tuy nhiên, khi thi xong, dù đã chen chân rời trường càng sớm càng tốt, anh Tuấn cũng không thể đi xa được bởi lượng người đổ xô ra làm những tuyến đường trên hành trình về quê đều bịt kín. Chẳng đành, anh cùng con ngồi nghỉ cho đỡ mệt mỏi sau hai hôm căng mình thi.

Vốn quê ở huyện Vĩnh Tường, gia đình anh sống chủ yếu bằng nghề nông, anh chị đã tích góp mất gần năm trời để con có thể đạt được ước nguyện đặt chân vào giảng đường.

Sau hai ngày thi, niềm động viên an ủi anh Tuấn chính là việc cháu đã làm rất tốt bài thi.

“Cháu làm được cả 3 môn là điều đáng mừng. Hai bố con cũng tính ở Hà Nội chơi một ngày cho thoải mái nhưng ở nhà có mỗi vợ với cả núi công việc nên hai bố con chẳng đành mà phải về quê,” anh Tuấn bộc bạch.

Gần đến giờ trưa, số lượng sĩ tử và người nhà đổ xô ra bến xe càng đông. Hàng người vật vạ đứng ngồi la liệt tại điểm đón và các nhà chờ xe.

Chen chân đứng chờ xe buýt trước cổng trường Đại học Công Đoàn, anh Nguyễn Văn Thành (Thái Bình) đã đợi tuyến xe 21 (bến xe Yên Nghĩa – Bến xe Giáp Bát) gần tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thể leo được lên xe.

Quệt mồ hôi ngang mặt, anh Thành ngao ngán nói, dù có hàng chục tuyến xe buýt chạy qua nhưng nhìn từ xa đã ken cứng người trên xe. Xe cũng không thể táp vào nhà chờ để đón thêm khách vì đã quá tải.

Các tuyến xe buýt nêm cứng người, mỗi khi xe về bến, hành khách ào ra. Khi khách xuống, xe lập tức quay đầu để tiếp tục giải tỏa khách tại các điểm chờ trên nhiều tuyến phố.

Dịp này, cánh xe ôm luôn túc trực để tranh thủ kiếm thêm và thỏa sức “hét” giá.

Chạy xe về gần cổng trường Bách Khoa, anh Phạm Văn Quang đã đi được gần 4 chuyển từ sau môn thi cuối. Anh Quang bảo, chỉ cần táp xe vào lề đường là ngay tức khắc đã có người nhà gọi đi.

“Cả năm mới có mấy dịp khách đông như thế này nên cánh xe ôm chúng tôi cũng phải cố để kiếm thêm,” anh Quang thành thật.  

Lượng khách tăng tới 200%

Tại các bến xe, lượng khách đông nghịt ngay trước cổng và khu vực bán vé, nhà chờ. Ngay ngoài bến, từng đoàn xe nối đuôi nhau rời bến về các tỉnh. Trên xe, hành khách ngồi chen chúc. Hàng ghế nhựa xếp dọc xe để thêm chỗ ngồi đều được các nhà xe tận dụng tối đa.

Đa phần những xe chạy về huyện nêm khách chật cứng bởi ít xe, lại chạy những tuyến đường độc đạo nên sĩ tử và thí sinh phải nhích chân đứng dù đã căng sức thi.

Kiểm tra lại hành lý, bác Phạm Thịnh, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cùng con gái ngồi nghỉ ngay khu vực đợi xe xuất bến để về nhà.

Bác Thịnh cho biết, do xe đi qua xã bác ngày chỉ có 5 chuyến nên mỗi lần xe lên là mọi người nháo nhào chạy ra.

“Hôm lên, nhà xe đã nhồi cứng người liệu về có tái diễn nữa không. Các cháu đã vất vả hai hôm, nay về nhà cũng là một hành trình gian nan nhọc nhằn từ điểm thi về quê. Chỉ khi nào bước chân về nhà, những phụ huynh như chúng tôi mới nhẹ nhõm,” bác Thịnh lo ngại.
 
Với các tuyến xe về thành phố, thị xã liên tỉnh, xe vừa cập bến đã phải quay đầu do hành khách nháo nhào kiếm chỗ khi xe vừa mở cửa.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Lượng khách tăng tới 200% so với ngày thường. Lượng xe tăng cường tại bến cũng chưa dùng đến. Cũng giống như mọi năm, khi thi xong là thời điểm khách đổ xô về bến để về quê. Vì thế, sĩ tử và người nhà tập trung về đông nhất vào lúc 10 giờ 30 – 11 giờ.”

Theo nhận định của ông Tiến, nhiều thí sinh còn tranh thủ đợt thi xong ở lại chơi nhà người quen và thăm thú Thủ đô mấy ngày nên lượng khách phân bố không đồng đều.

Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho rằng, sau 12 giờ trưa nay khách sẽ tập trung đông nhất tại bến. Hành khách chủ yếu tập trung ở các tuyến cự ly ngắn như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang.Dự kiến lượng khách tăng 150% so với ngày thường.

Theo các Giám đốc bến xe Hà Nội, hầu hết các bến chưa tăng cường xe vì hành khách rải rác và chia đều. Lượng xe tăng cường vẫn trực chờ để có thể tiến hành giải tỏa, tránh ùn ứ tại bến./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục