Tiểu vùng Mekong muốn liên kết chặt chẽ hơn

Bộ trưởng của các nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) sẽ gặp nhau ngày 19/6 tại Cha-Am, tỉnh Petchburi, Thái Lan để xem xét những nỗ lực đang được thực hiện nhằm thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa 6 quốc gia trong tiểu vùng.

Bộ trưởng của các nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) sẽ gặp nhau ngày 19/6  tại Cha-Am, tỉnh Petchburi, Thái Lan để xem xét những nỗ lực đang được thực hiện nhằm thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa 6 quốc gia trong tiểu vùng.
 
Tại cuộc họp, các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách thức thúc đẩy các chương trình hợp tác về giao thông, thương mại, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, du lịch và môi trường trong bối cảnh tình hình kinh tế trên khắp thế giới đang ảm đạm hiện nay.
 
Vụ trưởng của ADB, ông Arjun Thapan phát biểu: “Mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường các đối sách của Chương trình GMS trước những vấn đề chủ chốt mà tiểu vùng đang phải đối mặt trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức.”
 
Những nội dung chính được thảo luận bao gồm Lộ trình mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào việc sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, và một Khung Chiến lược về Phát triển Nguồn nhân lực đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho việc di chuyển lao động an toàn, tăng cường kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng.
 
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba giữa các nước vào tháng 3 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã xây dựng một Kế hoạch Hành động nhằm đưa ra những sáng kiến để đạt được sự hợp tác chặt chẽ hơn trên một số lĩnh vực chủ chốt.
 
Kế hoạch Hành động này là một phần của Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS, được thiết lập nhằm tăng cường mối liên kết giao thông, thương mại và du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, tăng khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng và an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường tại các nước thành viên.
 
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là tổ chức đi đầu hỗ trợ cho Chương trình này, và kể từ khi được bắt đầu vào năm 1992, GMS đã trở thành một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới.
 
Kể từ khi bắt đầu chương trình, xuất khẩu từ các nước GMS đã tăng gấp 4 lần, từ 37 tỷ USD vào năm 1992 lên 211 tỷ USD vào năm 2007. Số lượng khách du lịch hàng năm đã tăng hơn gấp đôi, từ 10 triệu người vào năm 1995 lên trên 26 triệu người vào năm 2008, và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực GMS đã tăng từ 3 tỷ USD vào năm 1992 lên trên 20 tỷ USD vào năm 2008./.
 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục