"Phát huy vai trò công cụ tài chính-tín dụng đắc lực"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, VDB phải phát huy mạnh mẽ vai trò là công cụ tài chính - tín dụng đắc lực của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh VDB phải phát huy mạnh mẽ vai trò là công cụ tài chính - tín dụng đắc lực của Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) ngày 11/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của VDB trong hơn 3 năm qua đã góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, ngăn chặn suy giảm, duy trì đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Huy động vốn và cho vay tín dụng xuất khẩu theo nguyên tắc không vi phạm các quy định của WTO, giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn.

VDB quản lý các nguồn vốn ODA đúng quy định, bảo đảm an toàn, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ quốc tế; tích cực triển khai dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và dự án đường bộ Tân Vũ - Lạch Huyện.

Qua 3 năm hoạt động, VDB là công cụ tài chính - tín dụng đắc lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, quy mô tín dụng của VDB vẫn còn có hạn, chưa đáp ứng yêu cầu về vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Hoạt động của VDB chưa thật sự chuyên nghiệp, năng lực quản trị ngân hàng chưa theo kịp yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, năng lực nghiên cứu, dự báo còn thấp, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ chưa cao.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của VDB còn chưa đủ mạnh, tích lũy và dự phòng rủi ro thấp, khả năng xử lý nợ xấu còn hạn chế.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành liên quan phối hợp với VDB tăng cường rà soát lại danh mục công trình, dự án được VDB cho vay, đảm bảo đúng là công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, cần thiết cho kinh tế - xã hội của đất nước mà các ngân hàng thương mại chưa đủ sức đầu tư; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay hợp lý, nâng quy mô vốn điều lệ và xây dựng kế hoạch phát triển trung, dài hạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Báo cáo với Thủ tướng, Tổng Giám đốc VDB Nguyễn Quang Dũng cho biết qua 3 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ, viên chức đã phát triển cả về chất và về lượng, trong đó có gần 85% cán bộ có trình độ đại học, trên đại học. Tổng tài sản của VDB hiện đã tăng hơn 63% so với thời điểm nhận bàn giao từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển.

VDB đã huy động thêm gần 120.000 tỷ đồng, bằng 7% vốn đầu tư toàn xã hội cùng kỳ. VDB đang quản lý cho vay gần 4.000 dự án với số vốn theo hợp đồng tín dụng đạt gần 150.000 tỷ đồng.

Ngân hàng đang quản lý cho vay các chương trình, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như hơn 160 dự án nguồn điện và dự án lưới điện; 30 dự án sản xuất ximăng; gần 50 dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển; gần 40 dự án mua tàu biển mới; gần 20 dự án phát triển ngành hóa chất. Mức đầu tư cho các dự án đó thường từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn có hơn 1.380 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm vào một số lĩnh vực chủ yếu như trồng rừng nguyên liệu và cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông, lâm, thủy hải sản, chế biến thức ăn gia súc được vay vốn.

Riêng chương trình kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ có số vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký gần 10.600 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay xuất khẩu tăng mạnh, năm 2008 tăng gấp 3 lần so với năm 2007, giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực hiện chức năng quản lý các nguồn vốn ODA cho vay lại, các quỹ quay vòng, VDB đang quản lý cho vay lại đối với 380 dự án; các nguồn vốn nước ngoài đã được quản lý đúng quy định, bảo đảm an toàn, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục