Náo nức đi bầu cử

Náo nức đi bầu cử và chọn nhân tài cho đất nước

Ngay từ sáng sớm, khi giờ bỏ phiếu chưa bắt đầu, đông đảo cử tri đã có mặt tại các điểm bầu cử để lựa chọn người tài cho đất nước.
Từ sáng tinh mơ, bà Tạ Thị Vân (cử tri xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội) đã lục tục tỉnh dậy. Sau khi chuẩn bị xong, bà giục chồng ăn sáng, mặc quần áo tinh tươm để đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ của mình.

Giống như bà Vân, dù 7 giờ mới là thời điểm bỏ phiếu, nhưng từ 6 giờ, nhiều cử tri đã tụ họp, trên tay họ là những lá phiếu để lựa chọn nhân tài cho đất nước.

Trên các trục đường chính của xã gắn liền với bến Chương Dương lịch sử, những ngày này rực rỡ những băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc tung bay. Ngay từ sáng sớm, loa truyền thanh xã đã được bật, thông báo đến người dân việc đi bầu cử và đọc lại tóm tắt tiểu sử các danh sách ứng cử viên.

Tại các tổ bầu cử, ngay từ hôm qua, người ta đã trang trí rất đẹp, rực rỡ màu đỏ. Nhiều người đi lại trên đường, hồ hởi như chơi hội.

Nói với phóng viên Vietnam+, ông Phạm Văn Lượng (chồng bà Vân) bảo, người dân ở Chương Dương mong chờ đến ngày hội bầu cử toàn dân để chọn ra những người đại diện xứng đáng cho quyền lợi của mình.

Qua những lần tiếp xúc, tìm hiểu thông tin, ông Lượng và hai cử tri khác trong gia đình sẽ bầu cho các ứng cử viên ngoài yếu tố có tài, đức thì cần cần am hiểu về vấn đề nông nghiệp, thủy lợi. Bởi có thế, khi trúng cử, những ứng cử viên sẽ biết cách chăm lo cho đồng ruộng, nâng cao đời sống người nông dân như ông bà.

Lê Văn Thành, một thanh niên trẻ thì cho hay, đây là lần đầu tiên Thành đi bầu cử. Năm ngoái, sau khi thi trượt đại học, Thành lên thành phố Bắc Ninh học nghề sửa chữa xe máy. Thế nhưng, trong mọi công tác tại địa phương, Thành đều tham gia đầy đủ.

“Lần đầu tiên được đi bỏ phiếu, em hồi hộp lắm anh ạ. Dù đã ý thức rất rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình nên em tìm hiểu rất kỹ về các ứng cử viên, nhưng cũng rất lo vì nhỡ mình chưa lựa chọn chính xác thì sẽ rất dở,” Thành tâm sự.

Về quan điểm “chọn người tài,” Thành nói bên cạnh tài, đức thì người đó phải có tư duy đổi mới, biết chăm lo cho thế hệ thanh niên ở nông thôn như tìm cách tạo việc làm, dạy nghề cho lớp trẻ... Làm được điều đó sẽ giảm được tình trạng lớp trẻ bỏ quê lên phố đi làm thuê kiếm sống. Họ sẽ ở lại nông thôn để xây dựng quê hương của mình.

Gần 7 giờ, khi tổ bầu cử làm lễ chào cờ, niêm phong hòm phiếu xong, người dân đã tiến vào khu vực hòm phiếu để thực hiện bầu cử. Nếu như ở bên ngoài, sự bàn tán rôm rả bao nhiêu, thì khi bầu cử, họ chỉ nở nụ cười rạng rỡ và khá trật tự.
    
Ông Phạm Văn Thủy, 78 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng là người đầu tiên cầm lá phiếu bầu cử bỏ vào hòm phiếu ở thôn Kỳ Dương (xã Chương Dương). Ông bảo rẳng, cả đời ông đã nhiều lần đi bầu cử, mỗi lần đều có cảm xúc khác biệt. Năm nay, ông thấy rất rõ sự khác biệt ấy qua việc chỉ đạo từ trên xuống rất chặt chẽ, các ứng cử viên thì làm tốt công tác tiếp xúc cử tri. Trong phương hướng hoạt động khi trúng cử, các ứng cử viên đều nói lên được những nguyện vọng của cử tri mong muốn.

Ông Thủy sẽ chọn bầu cho những đại biểu quan tâm đến đời sống nông nghiệp. Bên cạnh đó, họ cần phải có một tư duy khoa học để phát triển đất nước cũng như phải thực hiện việc chống tham nhũng triệt để.

Tại điểm bỏ phiếu thuộc xã Vân Tảo (Thường Tín), ông Sáng, một đảng viên nói rằng, dù là Chủ Nhật, nhưng theo lịch trực thì hai đứa con của ông vẫn phải đi làm cho một công ty tư nhân. Thế nhưng, họ đã xin phép nghỉ làm để đi bỏ phiếu.

“Chúng nó làm cả năm, cả đời. Nghỉ một buổi làm cũng không chết. Nhưng nếu nhờ người bỏ phiếu hộ, chọn người vô tài, thiếu đức thì hậu quả sẽ rất khó lường. Làm như thế là có tội với đất nước. Bởi thế, nhà tôi có 6 cử tri, mỗi người cầm một lá phiếu, thể hiện quan điểm của mình chứ không phải một người bỏ giúp cho cả sáu,” giọng ông chắc nịch.

Ông cũng cho hay, người dân quanh khu vực ông sinh sống rất quan tâm đến ngày bầu cử. Bằng chứng là, rất nhiều người dù rất bận với công việc trồng rau cũng tranh thủ đến sớm để bỏ phiếu rồi lại xắn quần đi ra đồng làm việc như thường lệ.

Về phần mình, ông và các con sẽ không đi làm, mà về nhà chuẩn bị một mâm cơm tinh tươm. “Mình cũng phải mừng với đất nước trong việc chọn người tài, bước sang thời kỳ mới chứ,” ông hào hứng./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục