Làn sóng biểu tình lan rộng tại Hy Lạp, Tây Ban Nha

Trong ngày 29/5, làn sóng biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ đã diễn ra quy mô lớn ở thủ đô các nước Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Tối 29/5, khoảng 30.000 người Hy Lạp đã tham gia biểu tình tại quảng trường trung tâm Syntagma ở thủ đô Athens để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ.

Cuộc biểu tình này có quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc biểu tình đã diễn ra trong thời gian khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp, được phát động thông qua lời kêu gọi trên các mạng xã hội như Facebook.

Những người biểu tình giương cao biểu ngữ phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Athens phải thực hiện để đổi lấy khoản cứu trợ 110 tỷ euro (155 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, ngày 23/5, Chính phủ Hy Lạp đã thông báo một loạt biện pháp khắc khổ và tư nhân quy mô lớn tài sản quốc gia nhằm giảm nhẹ gánh nặng nợ công và tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng thứ hai trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tuy nhiên, các đảng phái đối lập tại Hy Lạp đã kiên quyết phản đối những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.

Các quan chức thuộc "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp gồm EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang làm việc tại Athens để khảo sát chương trình điều chỉnh kinh tế của Hy Lạp trước khi quyết định liệu Athens có được nhận khoản giải ngân 12 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ 110 tỷ euro để tránh nguy cơ vỡ nợ hay không.

Cùng ngày, tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ít nhất 5.000 người đã tham gia biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng chính trị, cắt giảm phúc lợi xã hội và thất nghiệp gia tăng .

Khác với Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha không những phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế, mà còn phải đối mặt với những khó khăn lớn về ngân sách, thiếu lòng tin đối với nợ công và những đòi hỏi phải cải cách kinh tế.

Cho dù kinh tế đã tăng trưởng nhẹ trong năm nay, song tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tăng lên mức 21,19% trong quý I, cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên dưới 25 tuổi lên tới 44,6% trong tháng Hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục