Kinh tế Mỹ không thể phục hồi trước năm 2010

Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đã lên kế hoạch cho gói chi tiêu kích thích kinh tế trị giá khoảng 775 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Mỹ nhận định ngay cả khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn toàn bộ những gì Tổng thống yêu cầu, sẽ phải mất ít nhất một năm "liều thuốc bổ" này mới có thể ngấm vào một nền kinh tế đã suy thoái, và sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa để gói kích thích này tạo ra đủ việc làm, khôi phục lòng tin người tiêu dùng, qua đó khuyến khích họ chi tiêu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đã lên kế hoạch cho gói chi tiêu kích thích kinh tế trị giá khoảng 775 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Mỹ nhận định ngay cả khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn toàn bộ những gì Tổng thống yêu cầu, sẽ phải mất ít nhất một năm "liều thuốc bổ" này mới có thể ngấm vào một nền kinh tế đã suy thoái, và sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa để gói kích thích này tạo ra đủ việc làm, khôi phục lòng tin người tiêu dùng, qua đó khuyến khích họ chi tiêu.
 
Ông David Rosenberg, chuyên gia kinh tế tại Công ty tài chính Merrill Lynch ở New York, dự đoán thời điểm phục hồi sẽ "không sớm hơn năm 2010".
 
Ông cho rằng nếu không khôi phục được lòng tin thì "có nhét tiền vào túi người tiêu dùng cũng không thể khuyến khích họ tăng chi tiêu", tương tự như chương trình bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng của Bộ Tài chính Mỹ đã không thể phục hồi hoạt động cho vay.
 
Khủng hoảng địa ốc và chứng khoán đã "ngốn" mất 13 nghìn tỷ USD tài sản của các hộ gia đình Mỹ, nghĩa là các biện pháp giảm thuế của ông Obama rất có thể sẽ chỉ dừng ở chỗ khuyến khích họ tiết kiệm. Với tiêu dùng là một trụ cột của nền kinh tế, tác động tức thời của gói kích thích sẽ rất yếu ớt.
 
Ông Andrew Busch, chiến lược gia về ngoại hối của Công ty BMO Capital Markets, nhận định chương trình giảm thuế của Tổng thống George W. Bush năm ngoái chỉ tạo ra một làn sóng chi tiêu độ vài tháng, do người tiêu dùng nghĩ rằng nó chỉ được áp dụng một lần. Tổng thống mới muốn tạo ra những thay đổi về lâu dài nhằm tác động tới hành vi tiêu dùng, nhưng ông cho rằng "nó sẽ không thành công".
 
Ông Douglas Lee tại Công ty tư vấn Economics From Washington, dự báo quá trình hồi phục có thể nhanh hơn dự kiến, nhưng ông chỉ đặt cược 20% cho sự lạc quan của mình. Lãi suất giảm 1 điểm phần trăm sẽ tạo ra khoảng 111 tỷ USD cho các hộ gia đình Mỹ mỗi năm. Số tiền này cũng giúp người tiêu dùng lấy lại lòng tin và dần dần khuyến khích họ chi tiêu.
 
Trong một diễn biến khác, theo biên bản cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 6/1, lần đầu tiên trong lịch sử 95 năm hoạt động, ngân hàng trung ương này đã đề ra biên độ lãi suất mới là 0-0,25%.
 
FED dự đoán nền kinh tế Mỹ giảm mạnh trong 3 tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Theo biên bản, bất chấp những biện pháp giải cứu quyết liệt, triển vọng kinh tế Mỹ vẫn yếu kém và những nguy cơ suy thoái kéo dài là khá trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục