Với van Gaal, Bayern thay đổi từ gốc đến ngọn

Dưới bàn tay của Louis van Gaal, Bayern Munich đã có cuộc cách mạng sâu rộng, thay đổi toàn diện lối chơi để sẵn sàng chinh phục đỉnh cao mới.
Kể từ khi có mặt vị huấn luyện viên người Hà Lan Louis van Gaal, Bayern đã thực sự bước vào một cuộc cách mạng sâu rộng nhất từ trước đến nay nhằm thay đổi toàn diện lối chơi của đội chủ sân Allianz Arena.

Tin ở Van Gaal

Sẽ không phải nói nhiều về huấn luyện viên 57 tuổi người Hà Lan này. Bộ sưu tập thành tích “đồ sộ” mà ông gặt hái được trong sự nghiệp cầm quân ở Ajax Amsterdam, Barcelona và AZ Alkmaar đã nói lên tất cả về tài năng cũng như kinh nghiệm của Louis van Gaal.

Đơn giản, ông là huấn luyện viên xuất sắc bậc nhất của bóng đá châu Âu và thời điểm hiện tại, có thể sánh với những “tượng đài sống” như Alex Ferguson của Manchester United hay Carlo Ancelotti của Chelsea.

Trong con người Van Gaal, lối chơi tấn công rực lửa của người Hà Lan đã thấm nhuần, nhưng ông không chỉ cho đội bóng của mình chơi theo sơ đồ 4-3-3 quen thuộc, mà luôn tùy cơ ứng biến.

Chính vì đánh giá rất cao năng lực của Van Gaal, xem ông là nhân tố có thể lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng về nhân sự và lối chơi, nên Bayern đã dày công sang Hà Lan thuyết phục AZ Alkmaar “nhả” nhà cầm quân này.

Kết thúc mùa giải 2008-2009, Van Gaal đã giúp AZ giành chức vô địch Hà Lan lần thứ hai trong lịch sử sau 27 năm chờ đợi, phá vỡ thế thống trị của Ajax, Feyenoord và PSV Einhoven.

Tin ở Van Gaal, nên Bayern đã để cho nhà cầm quân người Hà Lan tự do xây dựng đội hình và lối chơi theo ý tưởng của riêng mình, được phép mua sắm thêm một số cầu thủ mà ông cần. Đó là lý do để hậu vệ Edson Braafheid (Twente) và tiền vệ Daniel Pranjic (Heerenveen), đều chơi ở cánh trái, chuyển từ Eredivisie tới Bundesliga.

Đó cũng là lý do khiến Lucio phải chuyển sang khoác áo Inter Milan để nhường chỗ cho tài năng trẻ Holger Badstuber, người được đôn lên từ tuyến trẻ cùng với tiền đạo Thomas Mueller.

Loại bỏ những cầu thủ đã chơi quá tệ ở mùa giải trước và trao cơ hội cho các tân bình cũng như tài năng trẻ, chỉ những việc ấy thôi cũng đủ để Van Gaal làm thay đổi diện mạo của Bayern, mà bằng chứng là họ đã thể hiện khá rõ ở Audi Cup 2009.

Mô hình kim cương huyền ảo

Sau khi tuyên bố kết thúc thời hạn đàm phán về việc chuyển nhượng Franck Ribery, Van Gaal đã bắt tay xây dựng lối chơi của Bayern, với điểm nhấn xoay quanh tiền vệ người Pháp.

Nhà cầm quân này đã vẽ nên một hình viên kim cương huyền ảo ở hàng tiền vệ, với Ribery “lung linh” ở đỉnh cao nhất trong vai trò “số 10”, đá ngay phía sau hai tiền đạo. Nhưng một khi “Gã mặt sẹo” phải “vật lộn” với chấn thương đầu gối, Van Gaal không ngần ngại gạt anh ra khỏi sơ đồ chiến thuật, thay bằng Mueller, một tài năng đang trong quá trình phát triển của Bayern.

Sau nhiều lần thử nghiệm và cân nhắc, cuối cùng Van Gaal tiếp tục để Bayern đá 4-4-2 như thời Klinsmann. Nhưng ông không dùng đến hai tiền vệ phòng ngự như người tiền nhiệm, bởi đó là một sự phí phạm trong con mắt của nhà cầm quân luôn mang trong mình tư tưởng tấn công.

Ông vẫn tin và trao chiếc băng đội trưởng cho tiền vệ đồng hương Mark van Bommel, giống như Klinsmann đã mở đường một năm về trước, đồng thời đẩy bản hợp đồng trị giá 11 triệu euro mà Bayern mua từ Zenit, tiền vệ người Ukraina Anatoliy Tymoschuk, lên băng ghế dự bị.

Bây giờ, vấn đề Van Gaal đau đầu chỉ còn là hàng tấn công, nơi ai sẽ được lĩnh ấn tiên phong. Có vẻ như suất đầu tiên đã thuộc về Mario Gomez, bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Đức với 30 triệu euro để chuyển từ Stuttgart sang Bayern.

Đá cặp với “Super Mario” có thể là Miroslav Klose, cũng có thể là Ivica Olic, nhưng ít ai nhắc đến cái tên Luca Toni, cầu thủ đã hết thời ở Bayern.

Rensing trong khung thành, bộ tứ vệ Philipp Lahm - Daniel van Buyten - Holger Badstuber - Edson Braafheid cùng hai cầu thủ chạy cánh Hamit Altintop và Daniel Pranjic.

Bayern đã sẵn sàng cho cuộc chinh phục chiếc Đĩa bạc vốn đã rơi vào tay Wolfsburg./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục