Chứng khoán thế giới đang "tụt dốc" không phanh

Theo chân xu hướng giảm điểm tại Mỹ và châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục "đỏ sàn" phiên giao dịch ngày 9/8.
Theo chân xu hướng giảm điểm phiên trước tại Mỹ và châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục "đỏ sàn" trong phiên giao dịch ngày 9/8, do những lo ngại về tình trạng suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng cuộc họp quan trọng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến diễn ra vào cuối ngày, sẽ mang lại những tín hiệu tích cực hơn cho nền kinh tế thế giới.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 153,08 điểm, tương đương 1,68%, xuống 8.944,48 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3, sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần tại miền Đông Bắc nước này; chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 68,10 điểm, tương đương 3.63%, đóng cửa ở mức 1.801,35 điểm; còn chỉ số Weighted của Đài Loan cũng giảm 59,68 điểm (0.79%), xuống còn 7.493,12 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số S&P/ASX200 của Australia lại chứng kiến một phiên "lội ngược dòng" ngoạn mục, sau khi giảm sâu 5% vào đầu phiên đã quay đầu tăng 4,87 điểm, tương đương 1,22%, đóng cửa ở mức 4.034,8 điểm.

Chốt phiên cùng ngày tại Trung Quốc, hai sàn chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán châu Á. Trong khi chỉ số Hang Seng giảm mạnh 1.159,87 điểm, xuống còn 19.330,70 điểm, thì chỉ số Composite lại có phần "bình lặng" hơn, khi chỉ giảm nhẹ 0,75 điểm, xuống còn 2.526,07 điểm.

Đêm trước (8/8) tại Mỹ, sắc đỏ cũng bao trùm toàn bộ Phố Wall, khi các chỉ số chứng khoán niêm yết tại sàn này giảm trung bình hơn 5% so với phiên trước đó, sau khi Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor (S&P) quyết định hạ mức xếp hạng tín của Mỹ xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 634 điểm, tương đương 5,6%, đóng cửa ở mức 10.809,85 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010; chỉ số S&P 500 giảm 6,7% xuống 1.119,46 điểm; trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 6,9 2%, xuống 2.357,69 điểm.

Trong đó, đáng chú ý là một số mã chứng khoán đã chứng kiến mức sụt giảm mạnh như JPMorgan Chase giảm 9,4%, American Express giảm 8,8%, và Alcoa giảm 11,4%.

S&P đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+, do cho rằng Washington đã thất bại trong việc kiềm chế thâm hụt ngân sách. Ngay từ lúc thị trường mở cửa, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đua nhau lao dốc và tụt xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống Mỹ, Barack Obama tuyên bố trên truyền hình rằng: "Mỹ sẽ luôn giữ được mức xếp hạng tín dụng AAA."

Giới đầu tư lo ngại rằng quyết định hạ mức đánh giá tín dụng của S&P đồi với Mỹ sẽ tác động tới thị trường trái phiếu nước này. Tuy nhiên, thay vì suy giảm, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch đêm qua.

Điều này đã khiến lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức 2,56% xuống còn 2,34%, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng giảm từ 3,82% xuống còn 3,66%.

Nối gót đà giảm điểm tại Mỹ, cũng trong phiên giao dịch 8/8, các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu đều đóng cửa ở mức thấp hơn phiên trước đó, do những lo ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như sự hoài nghi về khả năng giải quyết thành công cuộc khủng hoảng nợ châu Âu của các nhà lãnh đạo khu vực này.

Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 3,39%, xuống 5.068,95 điểm. Trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng giảm mạnh 5,02%, chốt phiên ở mức 5.923,27 điểm.

Tại Paris, chỉ số CAC 40 sụt giảm 4,68%, xuống còn 3.125,19 điểm; còn tại Milan (Italy), chỉ số FTSE Mib cũng giảm 2,43 % xuống còn 15.640 điểm./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục