Tăng bội chi ngắn hạn không gây sức ép lớn

Chính phủ vừa ban hành một loạt giải pháp nhằm chống suy giảm kinh tế, đặc biệt là các gói kích cầu. Việc giám sát để đảm bảo thực hiện hiệu quả cũng như dự phòng những tình huống có thể xảy ra khi thực hiện các gói kích cầu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chính phủ vừa ban hành một loạt giải pháp nhằm chống suy giảm kinh tế, đặc biệt là các gói kích cầu. Việc giám sát để đảm bảo thực hiện hiệu quả cũng như dự phòng những tình huống có thể xảy ra khi thực hiện các gói kích cầu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc xoay quanh vấn đề này.

Đã có những ý kiến e ngại rằng nếu không giám sát chặt chẽ, việc triển khai gói kích cầu dễ dẫn tới thất thoát, lãng phí nguồn vốn vay. Vậy thưa Bộ trưởng, cơ chế giám sát kích cầu được thực hiện như thế nào để tránh tình trạng này?


Việc thực hiện gói kích cầu là một chủ trương, giải pháp đúng đắn và kịp thời của Trung ương Đảng và Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng tuy mới được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, trong đó có những chính sách mới được ban hành, nhưng đã thu được những kết quả bước đầu, được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quốc tế.

Để phát huy hiệu qủa của gói kích cầu, đồng thời ngăn chặn thất thoát, lãng phí nguồn vốn này, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện.

Trong tháng 4 năm nay, Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ thay mặt Chính phủ là trưởng đoàn đến các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ra ngày 11/12/2008, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các giải pháp kích cầu đã được Chính phủ ban hành.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương định kỳ có báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện gói kích cầu, kịp thời phản ánh những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và kiến nghị những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng gói kích cầu.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý những vi phạm trong việc thực hiện gói kích cầu.

Chính phủ đã báo cáo đầy đủ và kịp thời các nội dung liên quan của gói kích cầu lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội để giám sát và quyết định các chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Để thực hiện gói kích cầu lên tới trên 8 tỷ USD, Việt Nam đang tính tới việc điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách từ 5% lên 8%. Xin Bộ trưởng cho biết, mức bội chi này liệu có tạo sức ép với khả năng trả nợ trong tương lai và khả năng chịu đựng của nền kinh tế?

Nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm nay gặp nhiều khó khăn do giá dầu thô xuống thấp, xuất khẩu giảm, kinh tế tăng trưởng chậm lại và thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế. Trong khi đó, các nhiệm vụ và các khoản chi vẫn được giữ nguyên như dự toán được Quốc hội thông qua.

Để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kích cầu và bảo đảm an sinh xã hội, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm nay lên tối đa khoảng 8% GDP; giảm dần bội chi để bảo đảm tỷ lệ bội chi bình quân trong 5 năm tới khoảng 5% GDP.

Việc thực hiện các giải pháp kích cầu vừa nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời vừa có tác dụng hỗ trợ tạo thêm các điều kiện cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển nhanh và bền vững trong trung hạn và dài hạn. Từ đó mà tăng được nguồn thu, giảm dần bội chi đúng theo báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này. Như vậy, việc tăng bội chi lên 8% trong ngắn hạn không ảnh hưởng lớn đến sức ép nợ của Chính phủ và khả năng trả nợ trong thời gian tới.

Nguy cơ tái lạm phát có được tính đến không? Biện pháp dự phòng chống lạm phát được tính đến như thế nào?


Gói kích cầu đã được thực hiện ngay từ đầu năm nay, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tháng 4 chỉ tăng 1,68% so với tháng 12/2008.

Mặc dù vậy, Chính phủ cũng nhận định trong thời gian tới, quá trình thực hiện các giải pháp kích cầu, kích thích kinh tế và xu hướng nhích lên của giá cả thế giới có thể sẽ tạo ra các yếu tố tác động làm tăng mặt bằng giá trong nước.

Vì vậy, để kiểm soát được tình hình, không gây ra tái lạm phát, đồng thời bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kích thích kinh tế, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát từ dưới 15% xuống dưới 10% trong năm nay.

Chính phủ đã đề ra các biện pháp đề phòng chống lạm phát như thực hiện việc điều hành lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác một cách linh hoạt, theo các tín hiệu của thị trường nhằm ngăn ngừa tái lạm phát một cách chủ động và hiệu quả; giảm dần bội chi ngân sách, bảo đảm tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm tới khoảng 5% GDP như đã nêu trên; thực hiện chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện gói kích cầu, bảo đảm sử dụng vốn kích cầu có hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; tăng cường các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là bảo đảm ổn định các cân đối lớn thu chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, tiền tệ, tín dụng và cán cân thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để dự báo các tình huống có thể xảy ra và xây dựng phương án, giải pháp ứng phó thích hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục