Cần chú ý đến tính an toàn của hệ thống tín dụng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, sáng 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đối với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), có 6 điểm được các đại biểu nhất trí cao gồm các nội dung về địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước, về chính sách tiền tệ quốc gia, vấn đề lãi suất, vấn đề đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổ chức tín dụng, về các quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của Ngân hàng Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cùng thống nhất nhận định, Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường.

Các tổ chức tín dụng có quyền và trách nhiệm trong việc xác định lãi suất trong giao dịch với khách hàng cũng như với các tổ chức tín dụng khác dựa trên nguyên tắc thị trường và lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Ngân hàng Nhà nước được quyền can thiệp cơ chế lãi suất của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Dứt khoát phải có lãi suất cơ bản để xử lý và làm công cụ điều tiết thị trường, khống chế các ngân hàng thương mại tránh chạy theo lợi nhuận mà không tuân thủ các chính sách của Nhà nước", ông Hà Văn Hiền lý giải.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa được các đại biểu ngã ngũ xoay quanh thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước băn khoăn, phải làm rõ nội hàm, mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Cần phải nghiên cứu kỹ thêm chức năng của Quốc hội đối với chính sách tiền tệ.

Ông Hà Văn Hiền cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của chính sách tiền tệ có ý nghĩa lâu dài là ổn định giá cả, khống chế lạm phát, phải thấy được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chính sách tiền tệ. Bản thân điều luật đã có sự mâu thuẫn trong việc phân định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ và chỉ tiêu lạm phát hàng năm.

Đối với Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với 6 nội dung thường trực Ủy ban Kinh tế và ban soạn thảo đưa ra về quản trị, điều hành; giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, về quyền góp vốn để thành lập ngân hàng hợp tác xã của các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã.

Song, có hai nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là việc nên hay không nên công khai thông tin trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt và việc có cho phép các ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác hay không.

Các ông Nguyễn Văn Thuận, Hà Văn Hiền thiên về hướng cho phép cơ quan quản lý nhà nước công khai về việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhằm minh bạch hóa thông tin, tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát cũng như giải pháp cứu trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tác động tiêu cực từ nguồn thông tin không chính thức.

Song, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lựa chọn thời điểm và mức độ công khai thông tin thích hợp nhất.

Kết luận hai nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, các điều khoản quy định trong Luật phải chú ý đến tính an toàn của toàn hệ thống; đồng thời việc mở cửa và thực hiện các cam kết quốc tế nhưng phải tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trong nước phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thống nhất hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là lĩnh vực hoạt động có điều kiện, do vậy, không chỉ hoạt động mà cách tổ chức bộ máy nhân sự và cách quản trị nên nghiên cứu làm sao vừa tổ chức quản lý chặt chẽ nhưng cũng không hạn chế hoạt động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện Việt Nam đã mở cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục