Tập trung kiểm soát giá, tháo gỡ khó khăn thiếu điện

Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá và tháo gỡ khó khăn về thiếu điện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cho hai vấn đề nổi lên là kiểm soát giá và tháo gỡ khó khăn về thiếu điện.

Kết luận phần thảo luận tình hình kinh tế-xã hội chín tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế-xã hội quý 4/2010, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2010 diễn ra ngày 30/9 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ sớm ra Chỉ thị về các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Về vấn đề kiểm soát giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, sắp tới sẽ có Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua ngay từ đầu năm, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng nêu rõ giá cả liên quan rất mật thiết với chính sách điều hành tiền tệ, tín dụng. Vì vậy phải tiếp tục duy trì ổn định lãi suất cơ bản. Điều hành chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Không để xảy ra tình trạng sốt giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, trong đó chú ý quản lý chặt chẽ giá các loại thuốc chữa bệnh và giá sữa.

Thủ tướng chỉ đạo ngay trong dịp Tết Nguyên đán tới (Tết Tân Mão), các bộ, ngành, địa phương phải lo dự trữ đủ các nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân.

Khắc phục khó khăn về thiếu điện, Thủ tướng yêu cầu ngành điện, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có các giải pháp quyết liệt lo đủ điện cho trước mắt cũng như lâu dài, trong đó chủ động tính nguồn (phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các nhà máy điện), mua điện của nước ngoài, điều tiết điện hợp lý, đặc biệt tiết kiệm điện trong sản xuất, trong tiêu dùng...

Cũng tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ dành phần lớn thời gian tập trung nghe, thảo luận các báo cáo của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và chín tháng đầu năm 2010; Dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; Tình hình giá cả hàng hóa và các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn giá từ nay đến cuối năm 2010; Tình hình bảo đảm cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đến cuối năm 2010; Tình hình cung cấp điện từ nay đến cuối năm và năm 2011.

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam chín tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực. Nền kinh tế phục hồi khá nhanh, cao hơn cùng kỳ của năm 2008 và năm 2009. Cả nước thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-CP và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) chín tháng đầu năm đạt khoảng 6,52%, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,40%, quý III tăng khoảng 7,16%).

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả hàng tiêu dùng đang có xu hướng tăng và giá vàng tăng cao. Sự chững lại của một số nền kinh tế lớn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vấn gặp một số khó khăn trong huy động vốn do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao. Đáng chú ý, nguy cơ thiếu điện vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ diễn biến khá phức tạp; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cây trồng có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân...

Để góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, tạo điều kiện cho năm 2011 - năm đầu của kkế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, từ nay đế́n hết năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp chủ yếu.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ nghe cho ý kiến các báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm, 2011-2015; Tổng hợp ý kiến Thành viên chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải./.

Quang Liên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục