Muốn "mang" VN đi xa

Thanh niên kiều bào muốn quảng bá về đất nước

Một buổi khám phá Bảo tàng Dân tộc học đủ để mỗi bạn trẻ Việt kiều xao xuyến nhớ lại tuổi thơ, xúc động với những gì được nghe, được thấy.
Tới thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Trại hè Việt Nam 2011, nhiều thanh niên Việt kiều ưu tú đã tỏ ra ngạc nhiên và xúc động trước đời sống và văn hóa của các dân tộc Việt.

Mặc dù ít được về quê hương nhưng những gì được thấy ở bảo tàng đã khơi dậy trong các em những tình cảm tha thiết với tổ tiên, đất nước. Nhiều em đã bày tỏ mong muốn được quảng bá đời sống, văn hóa Việt Nam-những gì bản thân cảm nhận được hôm nay đến với đông đảo bạn bè thế giới.

Sống lại tuổi thơ

Thoát khỏi tiếng ồn ào tiếng xe cộ ngoài phố, Leová Ngọc Hà, 20 tuổi, thanh niên Việt kiều ưu tú ở Cộng hòa Séc, đắm mình vào không gian xanh mát của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội.

Leo tâm sự, nghe tiếng chim chíu chít trên cành ở đây mà em nhớ những ngày ít ỏi thời thơ ấu được về quê ngoại ở vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa và quê nội ở Thường Tín, Hà Nội.

Leo kể rằng, em sinh ra ở Thủ đô Paraha, Cộng hòa Séc. Đến năm lên hai tuổi, Leo được bố mẹ đưa về Việt Nam hai năm sống với ông bà nội, ngoại.

Trong hai năm ngắn ngủi sống ở Việt Nam, đêm nào Leo cũng được nghe tiếng tắc kè kêu trên mái nhà và mỗi sáng thức dậy em lại được nghe tiếng chim sâu hót trên hàng cau. Khi trở lại Cộng hòa Séc sống cùng bố mẹ, Leo không còn được nghe những âm thanh thân thương đó nữa.

Suôt thời gian còn lại, do bố mẹ bận rộn nên Leo chỉ được về thăm ông bà hai lần nữa mà lần nào cũng chỉ được vài ngày. Lần về Việt Nam gần đây nhất của Leo cũng đã từ 4 năm trước.

Hiện là sinh viên của một trường đại học Dược ở Cộng hòa Séc, Leo cũng không có nhiều khoảng lặng để nhớ về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu ở Việt Nam. Bởi thế, bước chân vào khuôn viên của bảo tàng, bao cảm xúc tuổi thơ bồng ào về trong cô bé.

Leo bảo, khi trở lại Cộng hòa Séc, sẽ không quên chia sẻ cho hai đứa em cảm xúc mình tìm được lần này.

Khám phá văn hóa đa sắc màu

Có lẽ, điều khiến Leo xúc động nhất là đúng lúc cảm xúc tuổi thơ gắn với quê hương dội về cũng là lúc em được khám phá thêm về văn hóa của các dân tộc Việt Nam ngay tại bảo tàng, những điều mà trước kia em chỉ có thể được tìm hiểu qua sách báo, tivi.

Leo say sưa nhìn các sản phẩm gốm được khắc chìm, đắp nổi một cách tinh tế bằng đôi bàn tay khéo léo của người Việt. Em bịn rịn đứng trong ngôi nhà nửa sàn nửa đất của người Dao để chiêm ngưỡng cách thức dệt cửi của đồng bào dân tộc này. Lim dim đôi mắt hình dung cái khổ vải chỉ rộng có 40 centimet, Leo cố tưởng tượng xem người Dao phải khéo léo thế nào mới may được những trang phục cho mình.

Leo cũng rất ngạc nhiên khi thấy chiếc bếp của người Mường đặt ngay giữa nhà, nơi dành cho sinh hoạt của nữ giới. Ở đó còn kê cả chiếc phản tiếp khách.

Rồi thì chiếc chuồng ngựa vuông vức dựng ngay trước nhà của người H’mông cũng đã phần nào giúp Leo mường tượng ra cuộc sống của những người dân ở độ cao 1.200 mét nơi Mù Cang Chải xa xôi.

Leová Ngọc Hà và các bạn vô cùng thích thú tìm hiểu về những chiếc lưới săn thú, những chiếc võng được đan bằng gai của người Thổ…

“Hầu hết chúng em được sinh ra ở nước ngoài và chỉ được về nước trong những dịp hiếm hoi nên cũng chưa có điều kiện để hiểu nhiều về văn hóa dân tộc mình. Đây là lần đầu tiên em được đến đây và được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam một cách toàn diện nhất. Đó là điều thật tuyệt vời,” em Nguyễn Lê Alan Quý Anh Tài, 17 tuổi, thanh niên ưu tú Việt kiều ở Ôxtrâylia nhận xét.

Muốn "mang" Việt Nam đi xa

Vừa bước chân xuống xe, em Nguyễn Xuân Thương 16 tuổi, sống ở Bungary, đã luôn tay chụp, rồi quay những hình ảnh đặc trưng của từng dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt đặt ở khuôn viên của bảo tàng.

Em giải thích, lần đầu  được tìm hiểu sâu về các dân tộc Việt Nam, em thấy nền văn hóa của đất nước mình thật phong phú và thú vị, mỗi dân tộc có một nét đặc trưng. Thương muốn được chia sẻ những khám phá này tới ba mẹ, người thân của em bên Bungary và quảng bá hình ảnh này tới nhiều bạn bè quốc tế.

“Một người bạn rất thân của em ở Bungary đã dặn em phải chụp lại hình ảnh Việt Nam để bạn ấy được tìm hiểu thêm về đất nước chúng ta. Em nghĩ những bức ảnh này sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa nhỏ để bạn ấy và các bạn khác nữa hiểu hơn về Việt Nam."

Thương kể, ở bên Bungary, em thường xem các chương trình giới thiệu về Việt Nam trên kênh VTV4. Những gì Thương lĩnh hội được về Việt Nam từ các chương trình này em đều chia sẻ với bạn bè cùng lớp bất kể là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Cũng với mong muốn được khám phá và đưa hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế, em Choeung Narith Hoàng Thanh Long, 18 tuổi, thanh niên Việt kiều ưu tú ở Campuchia, say sưa quan sát và nghe hướng dẫn viên của bảo tàng thuyết minh.

Thanh Long chia sẻ với phóng viên Vietnam+, khi trở về Campuchia, tất cả những thông tin và hình ảnh ghi được trong chương trình trại hè này em sẽ đưa lên facbook để chia sẻ với bạn bè bốn phương về đất nước Việt Nam của em.

Giống như Xuân Thương, Thanh Long và nhiều bạn nữa, Leová Ngọc Hà cũng tự hào: “Do ít được về và tìm hiểu Việt Nam nên trước kia, mỗi dịp Tết, em thường lấy bánh trưng tự tay mẹ gói ra để khoe với bạn bè trong lớp. Giờ thì em đã có nhiều thứ hơn để khoe rồi.”/.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục