20 tỷ euro giúp Hy Lạp tạm thoát nguy cơ vỡ nợ

Ngày 19/5, Hy Lạp đã đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ trước mắt nhờ gói cứu trợ phối hợp giữa EU và IMF được giải ngân kịp thời.
Ngày 19/5, Hy Lạp đã đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ trước mắt nhờ gói cứu trợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được giải ngân kịp thời.

Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết 20 tỷ euro Athens nhận được từ gói cứu trợ EU/IMF trong vài ngày qua đủ để trang trải những nhu cầu tài chính trước mắt và ngắn hạn của nước này.

Trước đó, Hy Lạp đề nghị EU và IMF "bơm" 20 tỷ euro đầu tiên trong gói cứu trợ ba năm để giúp Athens thanh toán lãi suất trái phiếu chính phủ đáo hạn vào ngày 19/5 trong bối cảnh không còn khả năng vay mượn trên thị trường do lãi suất quá cao.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou kêu gọi siết chặt hơn nữa quy định đối với các khu vực tài chính, tín dụng và ngân hàng, cũng như giới đầu cơ. Theo ông Papandreou, nếu chính sách không phát huy tác dụng, thị trường và các lực lượng đứng sau thị trường sẽ đẩy thế giới vào khủng hoảng, thậm chí xung đột. Ông Papandreou thời gian gần đây cáo buộc giới đầu cơ đẩy Hy Lạp đến bờ vực vỡ nợ.

Các nhà phân tích lo ngại nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp chưa được giải quyết triệt để. Theo cơ quan kiểm toán nhà nước Hy Lạp, nợ chính phủ của nước này đã lên đến 310,4 tỷ euro vào cuối tháng 3 vừa qua so với 298,5 tỷ euro hồi cuối năm ngoái, trong khi nợ nhà nước được dự báo là 295 tỷ euro vào cuối năm 2010.

Đây là dấu hiệu bất thường vì nợ chính phủ của Hy Lạp thường thấp hơn nợ nhà nước do được tính bao gồm doanh thu của các công ty làm ăn có lãi thuộc sở hữu nhà nước.

Trong khi đó, Hy Lạp đang đứng trước một trở ngại lớn nữa khi phải thanh toán lãi suất trái phiếu ba năm lên tới 8,6 tỷ euro, đáo hạn vào tháng 3/2011. Mặc dù EU và IMF sẵn sàng giải ngân 18 tỷ euro tiếp theo cho Hy Lạp vào cuối năm nay, nhưng việc "rót" tiền được trói buộc với những tiến bộ trong quá trình Athens thực hiện kế hoạch "thắt lưng buộc bụng."

Theo kế hoạch, Hy Lạp phải thông báo tiến bộ trong quá trình này vào tháng 7 tới để tháng 9 sau đó, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF quyết định có giải ngân phần tiền cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp hay không.

Nhận định về tương lai của châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày cảnh báo cuộc suy thoái kinh tế thế giới hiện nay và thực trạng đồng euro mất giá là thách thức lớn nhất đối với châu Âu trong nhiều thập niên vừa qua. Theo bà Merkel, nếu đồng euro phá giá thì châu Âu sẽ sụp đổ theo.

Liên quan đến kế hoạch cứu trợ Hy Lạp, Chính phủ Pháp ngày 19/5 đã thông qua kế hoạch sửa đổi ngân sách nhà nước 2010, mở đường để Paris đóng góp 111 tỷ euro (137,7 tỷ USD) cho Quỹ chống khủng hoảng của EU và IMF. Kế hoạch sửa đổi ngân sách còn phải được hai viện Quốc hội Pháp thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục