Cộng đồng kinh tế Á-Âu tăng cường hợp tác

Những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Cộng đồng kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan) ngày 9/6 gặp nhau tại Mátxcơva nhằm thông qua kế hoạch các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế và thành lập Quỹ chống khủng hoảng.

Những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Cộng đồng kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan) ngày 9/6 gặp nhau tại Mátxcơva nhằm thông qua kế hoạch các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế và thành lập Quỹ chống khủng hoảng.
 
Thủ tướng các nước Cộng đồng kinh tế Á-Âu dự kiến tập trung thảo luận việc tăng cường những nỗ lực tập thể chống khủng khoảng trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, thông qua kế hoạch thực hiện các biện pháp chung khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
 
Ngoài ra, tại cuộc họp này, các nước Cộng đồng kinh tế Á-Âu cùng với Armenia sẽ kí Hiệp ước thành lập Quỹ chống khủng hoảng và Hiệp định về quản lí Quỹ cùng với Ngân hàng phát triển Á-Âu.
 
Quỹ chống khủng hoảng với vốn điều lệ 10 tỷ USD, trong đó Nga đóng góp 7,5 tỷ USD, sẽ đi hoạt động trong năm 2009 với mục tiêu cung cấp các khoản vay độc lập và các khoản tín dụng bình ổn cho các quốc gia thành viên cũng như tài trợ các dự án đầu tư liên quốc gia của các nước thành viên.
 
Các nhà lãnh đạo chính phủ các nước Cộng đồng kinh tế Á-Âu cũng sẽ phê chuẩn kế hoạch thành lập Trung tâm Công nghệ cao của Cộng đồng, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2009 nhằm hỗ trợ sự phát triển hoạt động khoa học - kĩ thuật và sáng chế.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu dự kiến thảo luận việc thực hiện ngân sách Cộng đồng kinh tế Á-Âu năm 2008 và dự thảo ngân sách năm 2010, trong đó có các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư ngân sách trong khuôn khổ tổ chức này.

Cùng ngày, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh thuế quan, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan đã nhóm họp nhằm thông qua một loạt văn kiện và đề ra những nhiệm vụ cấp thiết về thành lập Liên minh thuế quan dưới hình thức "bộ tam". Các văn kiện này sẽ củng cố cơ sở pháp lí của Liên minh thuế quan và tạo điều kiện cần thiết để đưa Liên minh này đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2010.
 
Các nước tham dự hy vọng những biện pháp sẽ được thực hiện trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế Á-Âu và Liên minh thuế quan sẽ giúp thúc đẩy các quá trình hội nhập và tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với nền kinh tế các nước thành viên./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục